Cho đến trước ngày 8/12/2015, Mỹ và Anh vẫn là hai nước duy nhất trên thế giới sở hữu khả năng phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm. Thế rồi một tên lửa siêu thanh vọt lên khỏi mặt biển Địa Trung Hải, bay vào không trung, báo hiệu một thời khắc nước Nga đã chính thức bước vào câu lạc bộ mà mới chỉ có hai thành viên.
Tên lửa hành trình Kalibr được phóng đi từ tàu ngầm Rostov-on-Don lớp Kilo mới nhất của Nga. Ảnh: AP |
Màn phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm Kilo thế hệ mới nhất một lần nữa cho thấy, Syria là nơi Nga chứng tỏ sức mạnh quân sự của mình. Trước đó, hôm 20/11, hải quân Nga cũng đã có mành phóng tên lửa hành trình từ tàu mắt nước cỡ nhỏ (lượng choán nước 3.000-4.000 tấn) từ biển Caspi nhằm vào các mục tiêu quân khủng bố ở Syria, khiến Mỹ, NATO ngỡ ngàng.
Trong suốt 20 năm qua, Hải quân Mỹ nổi tiếng với các đòn tấn công bằng tên lửa Tomahawk từ tàu ngầm lớp Los Angeles. Hải quân Hoàng gia Anh cũng tiếp bước xu thế này với tàu ngầm lớp Trafalgar, mà hiện nay được thay thế bằng tàu lớp Astute. Với tầm bay trên 1.000 dặm (hơn 1.600km), các loại tên lửa hành trình này cho phép hải quân hai nước thực hiện các đòn đánh nhằm vào bất kì địa điểm nào trên thế giới, chỉ bằng việc phóng tên lửa từ dưới lòng đại dương.
Thế độc tôn Mỹ - Anh mới đây gặp phải thách thức đến từ Pháp, nước cố gắng đạt tới khả năng này thông qua việc đưa tàu ngầm lớp Barracuda vào phiên chế chính thức trong năm 2017. Trung Quốc cũng có một kế hoạch tương tự. Thế nhưng hóa ra Nga mới là người cán đích đầu tiên, phá thế bá chủ bấy lâu của Anh, Mỹ.
Trước tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu - nhiều loại lần đầu tiên tham gia tác chiến, cùng với xe tăng T-90, các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại, cũng được Nga điều tới Syria. Những vũ khí chính xác, công nghệ cao này cho phép Nga tiêu diệt nhiều mục tiêu của quân khủng bố tại Syria. Thế nhưng đó chỉ là một phần trong những tính toán của Moskva, nhất là khi quân thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng không có hệ thống tên lửa phòng không, chỉ được trang bị những chủng loại vũ khí lạc hậu.
Mẫu tiêm kích Su-34 mới nhất của Nga tham gia chiến dịch không kích ở Syria. Ảnh: RT |
Chuẩn tướng Ben Barry, chuyên gia cao cấp tại Viện nghiên cứu Quốc tế về các vấn đề chiến lược (IISS) có trụ sở tại Anh bình luận, đòn đánh của Nga hướng tới mục tiêu răn đe, buộc Mỹ, NATO đứng ngồi không yên và phải chú ý tới Nga. Sau khi tăng chi tiêu quốc phòng hơn 50% kể từ năm 2005, Moskva giờ muốn chứng tỏ một thực tế rằng quân đội Nga đã hoàn toàn theo kịp phương Tây về trình độ phát triển vũ khí, công nghệ quân sự. “Ở đây có yếu tố phô diễn sức mạnh để chứng tỏ ưu thế chiến lược rộng hơn. (Nga) muốn răn đe điều mà họ xem là chủ nghĩa phiêu lưu mạo hiểm từ một NATO thiếu trách nhiệm, giờ họ cho thấy mình làm chủ khả năng phóng tên lửa hành trình từ tàu chiến mặt nước đến tàu ngầm”, vị chuyên gia này nhận định.
Nếu có một phương tiện chiến tranh nổi trội nào đó mà Nga còn chưa triển khai ở Syria, thì đó chính là một tàu sân bay. Hàng không mẫu hạm duy nhất mà Nga hiện có là chiếc Đô đốc Kuznetsov, được Liên Xô khởi đóng và hoàn thiện từ năm 1985 và đang trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa lớn. Trong hơn 10 năm trở lại đây, hải quân Nga đẩy nhanh nỗ lực khôi phục lại công nghệ đóng tàu sân bay, thế nhưng không thu được thành quả như mong đợi. Một phần nguyên nhân là bởi, các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, phát triển tàu sân bay từ thời Liên Xô tập trung chủ yếu ở khu vực Biển Đen và hiện đều nằm trong tay Ukraine sau khi nước này trở thành quốc gia độc lập vào năm 1991. Giới phân tích nhận định, sớm nhất cũng phải đến năm 2027, Nga mới có được một chiếc tàu sân bay mới.