Binh sĩ Ukraine bắn lựu pháo bọc thép trong cuộc xung đột với Nga gần Bahmut, vùng Donetsk. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Việc duy trì lực lượng gìn giữ hòa bình có thể tạo thêm gánh nặng đè lên vai quân đội châu Âu, vốn đã cạn kiệt kho vũ khí do cung cấp hỗ trợ Ukraine. Ngoài ra, việc hỗ trợ tài chính cho cam kết quân sự mở rộng này cũng đem đến bài toán hóc búa đối với một số quốc gia châu Âu đang gặp khó khăn về ngân sách.
Quan điểm của các quốc gia châu Âu
Pháp là nước nhiệt tình nhất, ủng hộ triển khai lực lượng tới Ukraine. Các nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại thủ đô Paris của Pháp ngày 17/2, để cùng thảo luận về những nội dung liên quan đến thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đạt được với Nga cũng như kêu gọi các nước thành viên tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine trong năm nay.
Tổng thống Emmanuel Macron đã tiếp đón Thủ tướng Anh Keir Starmer, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte tại Điện Elysee.
Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết London sẵn sàng điều lực lượng đến Ukraine để tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình sau khi xung đột kết thúc. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức ngày 17/2 cho biết nước này "sẽ không ngần ngại" đóng góp binh sĩ đến Ukraine nếu có khung pháp lý cho động thái như vậy.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nói rằng "hoàn toàn có khả năng" nước này gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đén Ukraine, nếu có nhiệm vụ rõ ràng. Chính phủ Hà Lan vào cuối tuần cũng bắn tín hiệu rằng họ có thể đóng góp, với điều kiện có nhiệm vụ rõ ràng và Mỹ cam kết hỗ trợ trong trường hợp leo thang căng thẳng.
Tuy nhiên, nước láng giềng của Ukraine là Ba Lan, quốc gia có quân đội lớn thứ ba trong NATO, cho biết họ sẽ không cử binh sĩ. Trong khi đó, Tây Ban Nha nhận định vẫn còn quá sớm cho đề nghị như vậy.
Tiềm năng của lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine
Binh sĩ Đức tham gia tập trận tại Altengrabow ở miền Đông nước này. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Matthew Savill, tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), lập luận rằng có một số cấp độ tiềm năng cho lực lượng gìn giữ hòa bình triển khai ở Ukraine sau lệnh ngừng bắn. Đầu tiên là một lực lượng răn đe trên bộ lớn, về lý thuyết có thể chiến đấu, với 100.000 đến 150.000 quân như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mong muốn.
Nhưng với việc Mỹ loại trừ khả năng tham gia, chưa rõ liệu riêng mình châu Âu có thể đáp ứng đủ quân số như vậy hay không. Do đó, ông Savill tin rằng giải pháp thay thế đáng tin cậy hơn sẽ là lực lượng gồm hàng chục nghìn binh sĩ ở một số khu vực tiền tuyến. Mô hình khiêm tốn hơn nữa sẽ là lực lượng lớn chuyên về huấn luyện.
Chuyên gia quân sự Ben Barry tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) bổ sung rằng lực lượng trên không và trên biển cũng cần thiết cho bất kỳ hỗ trợ nào trong tương lai cho Ukraine.
Tờ Guardian (Anh) đánh giá binh sĩ châu Âu được triển khai tới Ukraine sẽ khó có khả năng được xếp vào nhóm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Liên hợp quốc (LHQ) thường đảm nhận bố trí các nhiệm vụ như vậy, và sẽ tham gia theo cách công bằng.
Nhiều khả năng lực lượng quân đội châu Âu ở Ukraine sẽ nằm dưới chỉ huy của chính châu Âu, bất kể quy mô nào. Ngày 12/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết NATO sẽ không đảm bảo an ninh cho lực lượng như vậy.
Theo Guardian (Anh), có khả năng Nga sẽ phản đối sự hiện diện của quân đội châu Âu bên trong lãnh thổ Ukraine.