Ngày 6/3, Hội đồng đối ngoại Liên minh châu ÂU (EU) đã thông qua các kết luận về tiến bộ được thực hiện trong chiến lược toàn cầu của EU về an ninh và quốc phòng.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel (trái), Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao EU ở Brussels (Bỉ) ngày 6/3. Ảnh: EPA/TTXVN |
Hội đồng đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm cải thiện khả năng phản ứng của EU, đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch hơn với nền tảng là những cấu trúc đang tồn tại, đồng thời tăng cường phối hợp trên cả hai phương diện dân sự và quân sự trong khuôn khổ chiến lược tiếp cận toàn cầu của EU.
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini đánh giá kết quả buổi làm việc chung của các Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng trong cuộc họp Hội đồng đối ngoại EU lần này là "thông điệp rõ ràng" chứng tỏ EU đang tiến bộ không ngừng trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, đồng thời cho rằng Liên minh vẫn cần tiếp tục hành động nhiều hơn nữa.
Bà khẳng định khi đã chứng tỏ được tinh thần trách nhiệm đối với tình hình an ninh của mình như hiện nay, EU chắc chắn sẽ thực hiện thành công và hiệu quả các chính sách mới vừa được đưa ra.
Trên tinh thần đó, EU đã thống nhất thành lập Trung tâm chỉ huy các sứ mệnh quân sự chung đầu tiên của mình. Trung tâm này chịu trách nhiệm lên kế hoạch và chỉ huy tác chiến đối với các sứ mệnh quân sự ở cấp độ chiến lược và không tham gia chiến đấu trực tiếp, dự kiến ngay từ mùa xuân này trung tâm sẽ đảm nhận trách nhiệm chỉ huy một số sứ mệnh quân sự của khối được triển khai bên ngoài châu Âu.
Cụ thể, họ sẽ đảm nhiệm ba chương trình đào tạo của EU dành cho lực lượng khoảng 600 quân hiện đang được triển khai tại Mali, Somalia và Cộng hòa Trung Phi, dưới sự chỉ đạo của tham mưu trưởng EU hiện nay là tướng Phần Lan Esa Pulkkinen.
Trung tâm chỉ huy này được đặt dưới sự kiểm soát về mặt chính trị và tuân theo những đường hướng chiến lược của Ủy ban chính trị và an ninh (PSC) bao gồm đại sứ các nước thành viên EU và đặt trụ sở tại Brussels. Trung tâm này có nhiệm vụ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn cũng như thực tiễn về các vấn đề liên quan đến các sứ mệnh quân sự và dân sự triển khai trong cùng một khu vực như hỗ trợ y tế nhân đạo và các biện pháp bảo vệ.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng đề xuất một số phương hướng bổ sung nhằm tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng trong EU, hướng đến việc hình thành một cơ chế hợp tác thường trực, tạo điều kiện cho một số nước thành viên có thể tăng cường hợp tác về quân sự trên cơ sở tự nguyện.
Các Bộ trưởng đưa ra việc xây dựng cơ chế đánh giá hàng năm về phối hợp quốc phòng do các nước thành viên EU thực hiện. Điều này tạo cho EU có tầm nhìn tổng quan hơn về các vấn đề liên quan như chi tiêu cho quốc phòng, đầu tư quốc gia và các nỗ lực nghiên cứu phục vụ lĩnh vực quốc phòng.
Cơ chế mới sẽ đem lại sự minh bạch cùng cái nhìn rõ ràng hơn về năng lực quốc phòng, có thể giúp sửa chữa các khiếm khuyết hiện nay, mở ra tương lai hợp tác sâu rộng, phương pháp tiếp cận tốt và hài hòa hơn đối với kế hoạch chi tiêu dành cho quốc phòng của EU.
Một điều đặc biệt đáng chú ý là tại hội nghị lần này, các Bộ trưởng đã thống nhất chủ trương tăng cường gói giải pháp can thiệp nhanh của EU, trong đó phải kể đến tổ chức lực lượng chiến thuật của EU, tăng cường năng lực hỗ trợ cho an ninh, nhận thức đúng đắn các tình huống và chú trọng phát triển năng lực quốc phòng.
Tại cuộc họp báo sau hội nghị, Đại diện cấp cao Federica Mogherini cho biết Hội đồng đã đề cập đến tình hình khu vực Trung Đông như ủng hộ lập trường hai nhà nước Palestine và Israel cùng tồn tại, quan hệ hợp tác song phương EU-Ai Cập, cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề người di cư và tình hình Syria.
Bà Federica Mogherini thông báo vào ngày 5/4 tới, EU sẽ cùng phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức tại Brussels một Hội nghị quốc tế nhằm xem xét tình hình viện trợ cho Syria. Đây chính là sự kiện tiếp nối hội nghị London diễn ra cách đây một năm với 10 tỉ đô la viện trợ cho Syria đã được các nước tham dự cam kết.