Căn cứ không quân Incirlik ở ngoại ô thành phố Adana, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày 21/1/2016. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức, quyết định rút quân khỏi căn cứ không quân Incirlik được Quốc hội Đức thông qua ngày 21/6, đánh dấu căng thẳng mới trong quan hệ giữa hai nước vốn đang tồn tại nhiều bất đồng.
Theo kế hoạch này, các máy bay phản lực của Đức sẽ vẫn tiếp tục hoạt động ngoài căn cứ không quân Incirlik ít nhất cho đến cuối tháng 7, trong khuôn khổ sứ mệnh hỗ trợ hoạt động của liên quân do Mỹ đứng đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.
Cũng trong thời gian này, những khí tài cần thiết sẽ được chuyển tới một căn cứ không quân tại Jordan, dự kiến bắt đầu triển khai hạm đội bay vào tháng 10 tới. Trong ngày 9/7, một máy bay tiếp nhiên liệu rời căn cứ Incirlik tới căn cứ ở Jordan.
Trong cuộc gặp tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) diễn ra tại Brussels (Bỉ) hồi tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã thông báo với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch rút quân trên.
Quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ luôn trong tình trạng căng thẳng suốt một năm vừa qua, liên quan đến các vấn đề người Kurd, cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp và khôi phục án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, vụ bắt giữ các nhà báo Đức với cáo buộc tuyên truyền khủng bố, và mới đây nhất là việc các nghị sĩ Đức bị ngăn cản đến thăm binh sĩ nước này tại căn cứ không quân của NATO ở tỉnh Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bất đồng liên quan tới căn cứ trên nảy sinh sau khi chính quyền Berlin cấp quy chế tị nạn cho một số binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ được cho là có dính líu đến cuộc đảo chính bất thành tại nước này hồi tháng 7/2016.
Điều này dẫn đến việc Ankara bác đề nghị của các nghị sĩ Đức được tới thăm các binh sĩ đang phục vụ trong lực lượng liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu tại căn cứ Incirlik.