Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Nhật Bản và đảng liên minh Komeito trong ngày 11/12 đã phê chuẩn phương châm phòng vệ mới, tạo điều kiện để quân đội quốc gia này nâng cấp tàu sân bay trực thăng lớp Izumo trở thành hàng không mẫu hạm mà chiến đấu cơ như F-35 có thể xuất kích.
Nhà bình luận quân sự Song Zhongping tại Hong Kong (Trung Quốc) nhận định rằng bước đi này của Nhật Bản sẽ khiến mối quan hệ với Trung Quốc thêm phần trắc trở.
Ông Song Zhongping cho rằng kế hoạch này “rõ ràng nhắm đến Trung Quốc”. Ông Song Zhongping cho biết Trung Quốc đã tăng cường cho Hải quân quốc gia này nhiều tàu sân bay và tàu khu trục tiên tiến.
Trung Quốc hiện sở hữu tàu sân bay Liêu Ninh và chiếc tàu sân bay thứ hai Lớp 001A dự kiến được phiên chế trong năm 2019. Đến năm 2030, Trung Quốc dự tính có trong tay 4 nhóm tàu sân bay tác chiến.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Collin Koh Swee Lean tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore đánh giá kế hoạch sở hữu tàu sân bay của Nhật Bản có thể châm ngòi cho cuộc đua hải quân tại Đông Bắc Á khi Trung Quốc, Hàn Quốc cũng chạy đua nâng cấp.
Tuy vậy, chuyên gia quân sự Antony Wong Dong tại Macau (Trung Quốc) cho rằng mục đích trong việc sở hữu tàu sân bay đầu tiên sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là tăng tỷ lệ ủng hộ cho nhà lãnh đạo này.
“Việc nâng cấp hoặc sửa chữa chiến hạm lớn không phải là ý tưởng tối ưu do khá tốn kém, có thể thấy điều này qua trường hợp tàu Liêu Ninh của Trung Quốc”, ông Antony Wong Dong cho hay.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có tên Liêu Ninh vốn là hàng không mẫu hạm cũ Varyag lớp Đô đốc Kuznetsov. Trung Quốc mua lại tàu Varyag từ Ukraine năm 1998 và tiến hành đại tu hàng không mẫu hạm này thành tàu sân bay Liêu Ninh.
Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong cho rằng có thể Thủ tướng Abe muốn “kiểm tra nhiệt độ” khi Trung Quốc và Mỹ vẫn đang bất đồng về địa chính trị và thương mại.