Canada ‘mắc kẹt’ giữa hai cường quốc
Ngày 13/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận hai công dân Canada là ông Michael Spavor và Michael Kovrig đang bị bắt giữ, với nghi án có "những hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc". Động thái này được giới phân tích ngầm hiểu là hệ quả của sự căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc, sau khi Ottawa bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu - CFO đồng thời là con gái của nhà sáng lập Huawei.
Rõ ràng Canada đang “kẹt cứng” giữa hai cường quốc và trở thành nạn nhân mà Bắc Kinh nhắm vào khi không thể giải quyết trực diện với Mỹ. Về lý, Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ. Điều đó có nghĩa là Canada không phải bên trực tiếp mâu thuẫn với Trung Quốc. Nhưng xét theo các động thái gần đây, dường như phía Bắc Kinh lại chĩa mùi dìu về phía Ottawa hơn cả.
Ngày 14/12, hãng tin AFP có bài viết cho rằng Canada đang bị “bỏ rơi” trên đấu trường quốc tế. Nhà nghiên cứu lịch sử Robert Bothwell chia sẻ: “Chúng tôi chưa bao giờ đơn độc như thế này. Chúng tôi không có một đồng minh thực sự nào cả”.
Điểm đáng chú ý trong căng thẳng bộ ba lần này là mặc dù Canada nghe theo yêu cầu của Mỹ bắt một nhân vật có tiếng trong giới doanh nhân Trung Quốc nhưng cho đến giờ, Mỹ chưa có động thái gì bảo vệ Canada trước các đòn trả đũa của Trung Quốc. “Bình thường, Canada có thể tin tưởng vào Mỹ hỗ trợ khi đối mặt với những vấn đề như thế. Việc Washington bỏ rơi Ottawa lúc này là điều bất thường”, ông Laura Dawson - cựu cố vấn kinh tế thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Ottawa nhận định.
Về quan hệ Mỹ-Trung, sau khi khó khăn mới đạt được thỏa thuận "đình chiến thương mại" 90 ngày trong bữa tối giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế G20, giới quan sát cho rằng hai bên đều đang hướng tới đảm bảo mọi xung đột cần được kiểm soát.
Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định có thể can thiệp vào vụ Huawei thì phía Bắc Kinh cũng lên kế hoạch thay thế dự án "Made in China 2025" bằng một phiên bản ít tranh cãi hơn, với mục đích làm dịu căng thẳng với Mỹ.
Ngày 11/12, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ can thiệp vào vụ việc của Bộ Tư pháp Mỹ chống CFO tập đoàn Huawei nếu vụ việc này phục vụ các lợi ích an ninh quốc gia hoặc giúp đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Sau đó một ngày, Chính phủ Trung Quốc lại có động thái bất ngờ khi chỉ đạo các chính quyền địa phương ngừng nỗ lực theo đuổi kế hoạch “Made in China 2025”. Trả lời phỏng vấn của kênh CNBC, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói rằng động thái trên là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc đã giảm nhẹ chiến lược “Made in China 2025”, song còn quá sớm để khẳng định chiến lược này đã bị khai tử.
Sau khi bị bắt giữ hôm 1/12 do Mỹ cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt lên Iran, bà Mạnh Vãn Chu đã được phép bảo lãnh tại ngoại. Tòa án tỉnh British Columbia, Canada quyết định cho phép “Công chúa Huawei” được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 10 triệu CAD (7,5 triệu USD) và một số điều kiện khác.
Ngày 12/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố hoan nghênh mọi nỗ lực nhằm đưa vụ bắt giữ Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei hướng tới một giải pháp đúng đắn.
Thủ tướng Anh ‘sống sót’ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
Sau một ngày một đêm đầy kịch tính trong chính trường London, Thủ tướng Anh Theresa May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm về vai trò lãnh đạo của bà đối với đảng Bảo thủ với 200 phiếu ủng hộ và 117 phiếu phản đối.
Việc vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với 200 phiếu ủng hộ có thể xem là một thắng lợi lớn đối với bà May. Chiến thắng này càng trở nên có ý nghĩa tại thời điểm khó khăn này đối với Thủ tướng Anh trong việc khẳng định uy tín của mình trước sức ép từ mọi phía những ngày vừa qua, và tranh thủ thêm sự ủng hộ của các nghị sĩ Bảo thủ đối với thỏa thuận Brexit đạt được giữa Anh và EU hồi tháng 11.
Tuy nhiên, việc vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong Đảng Bảo thủ không thay đổi một thực tế rằng thách thức lớn nhất đối với Thủ tướng Anh trong những ngày tới vẫn là làm thế nào để thông qua được thỏa thuận Brexit tại Hạ viện. Nếu bà May không giành được những nhượng bộ đủ sức thuyết phục sau các cuộc gặp với những nhà lãnh đạo châu Âu trong cuối tuần, ít có khả năng thỏa thuận Brexit hiện tại sẽ giành đủ đa số phiếu ủng hộ khi được ra thông qua trở lại sau Giáng Sinh.
Kết quả cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đồng nghĩa với việc vị trí của bà May sẽ được an toàn trong vòng 12 tháng tới. Tuy nhiên, như trong phát biểu với các nghị sĩ ngay trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, Thủ tướng Anh đã khẳng định sẽ không tái tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2022.