Việc tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thiết lập một khu phi quân sự giữa quân đội chính phủ Syria và lực lượng đối lập ở tỉnh Idlib được xem là một giải pháp mang tính thỏa hiệp, phần nào giúp "tháo ngòi" những căng thẳng vốn đang tạo ra nguy cơ biến Idlib thành điểm “mặt trận” mới với những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc triển khai thỏa thuận này vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức ở phía trước, nhất là khi các bên liên quan đều có lợi ích riêng và đang có những toan tính khác nhau trong vấn đề Idlib.
Kết quả cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Sochi vừa qua được đánh giá mang ý nghĩa đột phá. Theo thỏa thuận, trước ngày 15/10 sẽ thiết lập một khu phi quân sự rộng khoảng 15-20km ở Idlib dọc theo đường ranh giới hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng đối lập. Đến ngày 10/10, các nhóm phiến quân phải rút tất cả các vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực và lực lượng quân sự của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện các cuộc tuần tra chung kiểm soát khu vực này.
Idlib là tỉnh duy nhất ở Syria còn nằm trong tầm kiểm soát của các nhóm khủng bố và vũ trang bất hợp pháp, gồm cả nhóm Mặt trận Al-Nusra có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Mặt trận Al-Nusra đã cùng với 4 nhóm thánh chiến khác ở Idlib thành lập một liên minh khủng bố và là lực lượng có ảnh hưởng lớn trên thực địa ở tỉnh này. Mặt khác, hàng chục nghìn tay súng tàn quân khủng bố và phiến quân từ Aleppo và Đông Ghouta, những tỉnh đã được quân đội Syria giải phóng trước đây, cũng chạy sang Idlib. Tỉnh biên giới này vì vậy có nguy cơ cao trở thành “ổ dịch khủng bố” mới, không chỉ đe dọa Syria mà cả khu vực Trung Đông.
Kế hoạch mở chiến dịch giải phóng tỉnh Idlib được Chính phủ của Tổng thống Syria coi là nhiệm vụ ưu tiên bởi nó có ý nghĩa quyết định đối với mục tiêu của Damascus quét sạch khủng bố và thiết lập quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ đất nước. Một chiến thắng của quân đội Syria tại thành trì lớn cuối cùng của khủng bố và phiến quân ở Idlib cũng sẽ tạo bước ngoặt có thể giúp chấm dứt cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 8 với nhiều thiệt hại ở quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là ở chỗ các tay súng khủng bố và phiến quân ở Idlib đang cố tình trà trộn, sống lẫn với dân thường. Một chiến dịch tấn công quân sự trên bộ nhằm vào Idlib, vì thế khó tránh nguy cơ gây thương vong cho dân thường. Hơn nữa, kế hoạch của Chính phủ Syria mở cuộc tổng tấn công tại tỉnh Idlib cũng gây mâu thuẫn giữa nhóm Bộ ba bảo trợ cho tiến trình hòa đàm Astana, gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, trong đó Ankara gay gắt phản đối.
Đối với Ankara, Idlib không chỉ là tỉnh giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ mà còn là khu vực có tính điểm tựa, giúp Ankara củng cố vị trí tại miền Tây Syria. Với các thỏa thuận giữa nhóm bộ ba Astana thiết lập 4 vùng giảm căng thẳng ở Syria, Ankara đã triển khai 12 trạm quan sát ở Idlib, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng hiện diện, thậm chí “bám rễ” tại nhiều vùng ở Idlib, từ đó kiểm soát hiệu quả các nhóm bán quân sự người Kurd ở miền Tây Syria.
Sau chiến dịch “Nhành Ôliu” của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu năm tấn công tỉnh Afrin (A-phrin), miền Bắc Syria để trấn áp lực lượng người Kurd tại đây, có thể nói Idlib đang trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ đối với người Kurd tại Syria. Ngoài ra, nguy cơ khoảng 700.000 người tị nạn từ Idlib, cùng với mối đe dọa an ninh khi hàng chục nghìn tay súng khủng bố, phiến quân bị quân đội Syria truy quét cũng sẽ chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Ankara luôn phản đối kế hoạch tấn công tỉnh miền Tây Syria này.
Trong bối cảnh đó, thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ tạo ra một động lực mới cho tiến trình giải quyết cuộc xung đột tại Syria thông qua giải pháp chính trị. Cách thức mà Moskva và Ankara lựa chọn phù hợp với tinh thần của cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba giữa tổng thống 3 nước bảo trợ cho tiến trình hòa đàm Astana vừa diễn ra tại Tehran vừa qua. Đây có thể coi là nỗ lực mới nhất của Moskva nhằm tháo gỡ bất đồng với Ankara liên quan vấn đề Idlib, qua đó duy trì khuôn khổ hợp tác ba bên Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Syria.
Bên cạnh đó, thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ cũng tạm thời loại bỏ được nguy cơ Mỹ và đồng minh tạo cớ tấn công Syria. Những tuyên bố mang tính đe dọa của Mỹ, Anh, Pháp về một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria với lý do quân đội nước này sử dụng vũ khí hóa học tại Idlib, trong bối cảnh quân đội Syria chuẩn bị tấn công tổng lực nhằm giải phóng tỉnh Idlib, đã làm dấy lên quan ngại về nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự trực diện tại đây.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến hoài nghi về tính lâu dài của thỏa thuận tại Sochi, cho rằng đây chỉ là một giải pháp tạm thời và không toàn diện. Không có gì đảm bảo các nhóm tay súng phiến quân ở Idlib sẽ thực hiện thỏa thuận. Trong khi đó, Chính phủ Syria chắc chắn sẽ không chấp nhận sống chung với những lực lượng mà Damascus coi là khủng bố tại Idlib, và do đó tình hình ngưng chiến sẽ không thể kéo dài. Đấy là còn chưa tính đến khả năng một số thế lực có âm mưu nhằm hủy hoại thỏa thuận này vì nhiều toan tính riêng.
Tình hình thực địa có thể diễn biến phức tạp hơn với sự can dự của phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Idlib đang được xem là “cơ hội cuối cùng” để Mỹ duy trì ảnh hưởng tại Syria. Một cuộc chiến dai dẳng kéo dài tại Syria nói chung hay Idlib nói riêng đều có thể giúp lực lượng Mỹ tiếp tục “ở lại” quốc gia Trung Đông. Cho tới nay, chưa có dấu hiệu gì cho thấy Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria, Washington vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của 19 căn cứ quân sự tại Syria cũng như hơn 20 căn cứ ở các nước lân cận. Ngay cả khi Nga rút phần lớn lực lượng khỏi Syria hồi tháng 6 vừa qua, Washington vẫn khẳng định sẽ duy trì lực lượng tại Syria, như Washington tuyên bố là để chống nhóm khủng bố “Tổ chức Nhà nước” Hồi giáo (IS) tự xưng. Việc Mỹ mới đây tuyên bố có kế hoạch riêng để chống khủng bố tại Idlib và không định hợp tác với Nga trong việc giải quyết vấn đề này, cho thấy còn quá nhiều vướng mắc khó tháo gỡ và tình hình có thể còn tiếp tục rối ren.
Trong bối cảnh đó, mọi tình huống như vụ máy bay trinh thám IL-20 của Nga chở 15 quân nhân bị bắn rơi tại khu vực Địa Trung Hải, đều có nguy cơ cản trở những nỗ lực giảm căng thẳng. Phía Nga cáo buộc quân đội Israel đã cố tình tạo ra tình thế nguy hiểm bằng cách lợi dụng chiếc máy bay Nga như một lá chắn để các chiến đấu cơ của Israel, đang tiến hành không kích các vị trí của Syria ở tỉnh Latakia, thoát khỏi hệ thống phòng không Syria, khiến phòng không Syria bắn nhầm. Nga cũng khẳng định phía Israel trong vụ này đã có hành động khiêu khích, thù địch, không hợp tác và Nga có quyền hành động đáp trả phù hợp. Vụ việc này đang khiến quan hệ Nga-Israel căng thẳng và cũng đặt ra thách thức đối với khả năng phối hợp giữa các bên trong việc giải quyết vấn đề Syria.
Sự phối hợp Nga - Thổ Nhĩ Kỳ hóa giải "nút thắt" trong vấn đề Idlib cho thấy tầm quan trọng của việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp xung quanh đang khiến vấn đề Syria trở nên khó lường hơn, đặc biệt khi “bài toán” cân bằng hiệu quả giữa mục tiêu giành lại toàn bộ quyền kiểm soát lãnh thổ của Chính phủ Syria và lợi ích của các bên liên quan ngày càng khó giải.