Cuộc điều tra chiếu ánh đèn vào mặt tối của bùng nổ chi tiêu quân sự
Trụ sở NATO tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 14/5, các cơ quan tư pháp Bỉ và Luxembourg đã bắt giữ nhiều đối tượng trong khuôn khổ cuộc điều tra chống tham nhũng quy mô lớn liên quan đến các hợp đồng cung cấp thiết bị quân sự cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cuộc điều tra do chính NSPA khởi xướng, với sự phối hợp của nhiều quốc gia, gồm Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Italy, Tây Ban Nha và Mỹ.
Công tố viên Bỉ đã xác nhận về những vụ bắt giữ đầu tiên vào cuối ngày 14/5. Họ đánh giá rằng các hợp đồng liên quan đến việc mua đạn dược và thiết bị bay không người lái thông qua NATO có thể có dấu hiệu sai phạm. Cho đến nay, đã có tổng cộng 5 vụ bắt giữ, với hai vụ diễn ra ở Bỉ và 3 vụ tại Hà Lan.
Kênh DW (Đức) dẫn tuyên bố của giới chức Bỉ cho biết nhân viên hoặc cựu nhân viên của NSPA tại Luxembourg có thể đã cung cấp thông tin cho các nhà thầu quốc phòng nhằm tạo thuận lợi trong việc trúng thầu. Họ kết luận: "Có dấu hiệu cho thấy số tiền thu được từ các hoạt động bất hợp pháp này đã được hợp thức hóa, trong đó có việc thành lập các công ty tư vấn để che giấu dòng tiền”.
Không lâu sau đó, chính quyền Hà Lan thông báo đã bắt giữ 3 nghi phạm, bao gồm một cựu quan chức Bộ Quốc phòng 58 tuổi với công việc trước đây liên quan đến các hợp đồng mua sắm quốc tế.
Cuộc điều tra cũng được thực hiện tại Italy, Tây Ban Nha và Mỹ, do cơ quan tư pháp Liên minh châu Âu (EU) Eurojust điều phối.
Tại cuộc họp gần đây của NATO ở Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), Tổng thư ký Mark Rutte nói với các phóng viên rằng chính cơ quan này đã khởi xướng các cuộc điều tra. Ông Rutte nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn tìm ra gốc rễ của vấn đề”.
NSPA có trụ sở chính tại Luxembourg và cơ sở tại một số quốc gia châu Âu khác, với đội ngũ nhân viên hơn 1.500 người. Ngoài việc hỗ trợ hậu cần cho các hoạt động hoặc nhiệm vụ của NATO, NSPA cũng có thể đàm phán hợp đồng quốc phòng thay mặt cho các quốc gia thành viên.
Sáng kiến mua sắm chung như vậy giúp tiết kiệm tiền cho chính phủ các quốc gia thành viên qua việc tập hợp nhu cầu một cách hiệu quả. Theo NATO, bản thân cơ quan này hoạt động trên cơ sở "không lỗ, không lãi". Năm ngoái, NSPA đã ký một hợp đồng trị giá gần 700 triệu USD cho tên lửa phòng không Stinger thay mặt cho một số quốc gia thành viên. Cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg công bố thỏa thuận này vào tháng 5/2024, mà không nêu tên các quốc gia liên quan.
Đối với chuyên gia quốc phòng Francesca Grandi của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), cuộc điều tra đang diễn ra của NATO là "lời nhắc nhở quý giá" về tầm quan trọng của việc giám sát chặt chẽ cách chi tiêu tiền công cho quốc phòng.
Bà Grandi nhấn mạnh: “Vụ việc này thực sự đúng thời điểm, theo một cách nào đó, vì nó nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của tính minh bạch”.
Tuy nhiên, DW cho rằng thời điểm này không thích hợp cho NATO trong bối cảnh các quốc gia thành viên đang bùng nổ chi tiêu quốc phòng và điều này có khả năng kéo dài nhiều năm. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới, dưới áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, 32 quốc gia thành viên NATO có thể sẽ cam kết chi ít nhất 3,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng.
Đây sẽ là một bước tiến lớn so với mục tiêu hiện tại là 2%, cũng như mức chi tiêu theo GDP với tỷ lệ trung bình hiện tại là 2,7%.
Dựa trên số liệu của NATO công bố vào tháng trước, trong năm 2024, liên minh này đã chi tổng cộng 1,3 nghìn tỷ USD cho quốc phòng. Trong khi đó, các thành viên EU vốn cũng chiếm 2/3 NATO đang lên dây cót cho một đợt chi tiêu lớn.
Ủy ban châu Âu thậm chí đã công bố kế hoạch tận dụng xếp hạng tín dụng tuyệt vời của EU để vay 150 tỷ euro giúp 27 thành viên của khối đầu tư thêm 800 tỷ euro vào quốc phòng.
Thêm tiền thêm vấn đề
Tổng thư ký NATO Mark Rutte. Ảnh: THX/TTXVN
Với hàng trăm tỷ USD dự kiến bổ sung thêm vào ngành quốc phòng trong 5 năm tới, các tổ chức công có thể sẽ phải chịu áp lực rất lớn để quản lý rủi ro tham nhũng tiềm ẩn.
Theo bà Grandi, lĩnh vực quốc phòng trên toàn thế giới đặc biệt dễ dính vào nạn tham nhũng do tính chất bảo mật cao, số tiền lớn và bản chất nhạy cảm của các cuộc đàm phán.
Châu Âu cũng không phải ngoại lệ. Ở cấp quốc gia và cấp toàn liên minh châu Âu, các cơ chế minh bạch giúp loại bỏ các quy trình mua sắm công khác thường đã không thể áp dụng đối với lĩnh vực quốc phòng và an ninh.
Chẳng hạn, Nghị viện châu Âu không có thẩm quyền giám sát ngân sách thông thường đối với nguồn tiền hỗ trợ quốc phòng Ukraine thông qua Cơ chế Hòa bình châu Âu. Đã có hơn 10 tỷ euro được cấp cho Kiev thông qua cơ chế này, vốn không thuộc ngân sách chung của EU.
Bà Grandi cho biết, nhìn chung Transparency International đang hết sức lo ngại khi thấy làn sóng tăng chi tiêu quốc phòng hiện nay không đi kèm với sự chú ý đúng mức từ các nhà hoạch định chính sách về minh bạch và giám sát. Song song đó, hoạt động vận động hành lang của ngành công nghiệp quốc phòng cũng đang gia tăng.
Bà cảnh báo: “Rủi ro từ việc thiếu giám sát có thể dẫn đến một kiến trúc quốc phòng không đảm bảo an ninh cho công dân, bị ảnh hưởng bởi hiệu quả thấp, lãng phí tiền bạc, tạo ra không gian cho việc lạm dụng quyền lực, ảnh hưởng không đúng mực”.