Cuộc chạy đua tên lửa siêu thanh mới giữa các cường quốc

Hải quân Mỹ đang thử nghiệm tính khả thi của tên lửa siêu thanh phóng từ tàu ngầm thuộc Chương trình tấn công toàn cầu tốc độ cao trong các cuộc chiến tranh thông thường (CPGS).

Ảnh: Diplomat


Văn phòng Chương trình Hệ thống chiến lược của Hải quân Mỹ đang đề xuất hợp đồng về "các nghiên cứu thương mại công nghiệp trong thời gian hai năm nhằm bổ sung thêm lựa chọn công nghệ cho một loại vũ khí tấn công tốc độ cao tầm trung thông thường trên toàn cầu". Theo đó, loại vũ khí này có thể “thay đổi cuộc đối đầu tiềm năng" và là một loại tên lửa đạn đạo dẫn đường chính xác có thể tiêu diệt mục tiêu ở bất kỳ nơi nào trên thế giới trong thời gian 1 giờ.

Mặc dù việc phát triển tên lửa phóng từ tàu ngầm trên thay vì được phóng từ mặt đất sẽ đặt ra nhiều thách thức về kỹ thuật, nhưng Lầu Năm Góc cho rằng quyết định này là cần thiết nhằm đối trọng với các loại tên lửa tầm trung của Nga bắn từ mặt đất với tầm bắn 500 – 5.500km.

Đầu tháng 5/2013, Mỹ đã tiến hành thử nghiệm thành công tên lửa X-51A Waverider. Tên lửa này đã đạt đến vận tốc Mach 5,1 trong lần bay thử nghiệm cuối trên Thái Bình Dương.

Để thực hiện được cuộc thử nghiệm trên, chiếc X-51A đã được máy bay B-52 mang lên độ cao 15.240m mới bắt đầu khai hỏa. Theo Không quân Mỹ thì đây là chuyến bay kéo dài nhất trong bốn chuyến bay thử nghiệm của X-51A và thời gian máy bay giữ tốc độ siêu thanh cũng lâu nhất. Về cơ cấu thiết kế, X-51A Waverider gần như không có cánh, sử dụng nhiên liệu hydro và dùng các vật liệu thường sử dụng trong các tàu vũ trụ như nhôm, thép và titan. Nó cũng sử dụng gạch cách nhiệt tương tự trên thân tàu con thoi của NASA để bảo vệ vỏ.

Một số nhà phân tích cho rằng đang có một cuộc chạy đua tên lửa siêu thanh mới giữa một số cường quốc lớn trên thế giới. Trung Quốc mới đây cũng đã lần đầu tiên thử nghiệm một thiết bị tên lửa siêu thanh, được thiết kế có khả năng bay nhanh gấp vài lần tốc độ âm thanh. Cuộc thử nghiệm diễn ra vào ngày 9/1 và phương tiện siêu thanh của Trung Quốc, với tên gọi WU-14, được cho là có thể di chuyển với tốc độ Mach 10, tức là gấp 10 lần tốc độ âm thanh.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng ra tuyên bố nhấn mạnh rằng hành động này có mục đích khoa học và không nhằm chống lại các nước khác. Thử nghiệm được thực hiện trong lãnh thổ Trung Quốc và đã diễn ra bình thường. Tuy nhiên, theo ông Rick Fisher, một chuyên gia quân sự về Trung Quốc: “Sự vượt trội của tên lửa này ở chỗ là nó có thể tấn công chính xác với vận tốc siêu thanh ở độ cao tương đối thấp và quỹ đạo bay phẳng, điều làm nó ít bị tổn thương hơn nhiều trước các hệ thống phòng thủ tên lửa”.

Bên cạnh đó, Nga và Ấn Độ cũng đang hợp tác cùng nhau để phát triển một khả năng tên lửa siêu thanh mới. Hiện công ty BrahMos Aerospace (liên doanh Nga - Ấn thành lập năm 1998 tại New Dehli) đã chế tạo tên lửa siêu thanh BrahMos nổi tiếng của Ấn Độ với vận tốc lên tới Mach 5. Chương trình phát triển tên lửa siêu thanh đã được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov tiết lộ hồi tháng 6/2013, theo đó tên lửa siêu thanh của Nga sẽ xuất hiện trong giai đoạn 2018-2019. Ngoài ra, Công ty vũ khí tên lửa chiến thuật của Nga đang nghiên cứu một loại tên lửa siêu thanh có vận tốc khủng khiếp tương đương Mach 12 - Mach 13 (gấp 12-13 lần tốc độ âm thanh). Công ty này chính là đơn vị chịu trách nhiệm chế tạo tên lửa cho máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 PAK FA Sukhoi T-50 của Nga.

Tên lửa siêu thanh về mặt kỹ thuật được xác định là những tên lửa có tốc độ bay từ Mach 5 đến Mach 10. Chúng cũng bay thấp hơn so với các tên lửa đạn đạo nên rất khó bị tiêu diệt bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại.


CT (Diplomat)

Trung Quốc xác nhận thử nghiệm tên lửa siêu thanh
Trung Quốc xác nhận thử nghiệm tên lửa siêu thanh

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 15/1 đã xác nhận vụ thử tên lửa siêu thanh và nói thêm đây chỉ đơn thuần là khoa học chứ không nhằm vào bất cứ nước nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN