Theo tờ Thời báo Á-Âu (Eurasiantimes.com), việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã gây ra những lo ngại về an ninh giữa các quốc gia ở các khu vực khác nhau, khiến họ phải tìm cách tăng cường khả năng phòng thủ của mình. Điều này dường như đã tạo ra "cơ hội vàng" cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ.
Trên thực tế, các hợp đồng quốc phòng lớn đã được tiến hành. Ngày 15/3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho phép bán 8 máy bay trực thăng đa năng Sikorsky MH-60R Seahawk cho Tây Ban Nha, một quốc gia thuộc NATO, cùng sự hỗ trợ và thiết bị liên quan, với giá 950 triệu USD.
Tây Ban Nha đã đề nghị mua 8 trực thăng MH-60R, 20 động cơ T-700-GE-401C, 32 tên lửa AGM-114R (N) Hellfire, hai tên lửa huấn luyện Hellfire II (CATM ), cùng một số thiết bị liên quan khác.
MH-60R Seahawk mà Tây Ban Nha mua từ Mỹ, là một máy bay trực thăng đa nhiệm, được coi là trực thăng hàng hải tiên tiến nhất trên thế giới. Loại trực thăng này có khả năng tác chiến chống tàu ngầm (ASW), tác chiến trên mặt nước (ASuW), tìm kiếm và cứu nạn (SAR), hỗ trợ, giám sát, chuyển tiếp thông tin liên lạc, hỗ trợ hậu cần và chuyển quân.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng các máy bay trực thăng trên sẽ tăng cường khả năng của Hải quân Tây Ban Nha và duy trì khả năng tương tác với Mỹ và NATO.
Bên cạnh đó, cuộc xung đột ở Ukraine đang diễn ra cùng với lo ngại của phương Tây về khả năng leo thang đã khiến chi tiêu quốc phòng của các quốc gia châu Âu tăng lên.
NATO tuyên bố họ sẽ không chiến đấu chống lại Nga. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói: “Chúng tôi không phải là một phần của cuộc xung đột này. Tuy nhiên, liên minh quân sự cam kết hỗ trợ dưới hình thức cung cấp vũ khí cho Ukraine".
Song song đó, các quốc gia châu Âu đã đồng ý tăng chi tiêu cho quốc phòng của họ. Đức, quốc gia cam kết phát triển hòa bình kể từ Thế chiến II, đã công bố kế hoạch chi hơn 100 tỷ Euro cho quân đội của mình, cao hơn gấp đôi tổng ngân sách quốc phòng năm 2021 (47 tỷ Euro).
Hơn nữa, Đức cũng đã thông báo vào ngày 14/3 rằng họ sẽ mua 35 máy bay chiến đấu F-35A được sản xuất tại Mỹ. Đây là thương vụ mua bán vũ khí lớn đầu tiên được tiết lộ công khai kể từ khi Thủ tướng Olaf Scholz cam kết tăng chi tiêu quốc phòng.
Ba Lan cũng cho biết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng. Nước này cho biết dự kiến tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP từ năm 2023. Hơn nữa, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho phép bán 250 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 SEPv3 Abrams trị giá 6 tỷ USD cho Ba Lan ngay trước khi cuộc xung đột nổ ra.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nêu rõ, nước này cũng sẽ tăng đáng kể ngân sách quốc phòng và tìm cách tự cung cấp khí đốt tự nhiên, giảm sự phụ thuộc vào Nga. Theo một thỏa thuận được ký kết giữa các chính đảng lớn, Đan Mạch sẽ từng bước tăng chi tiêu quân sự để đạt 2% GDP vào năm 2033, tương đương với mức tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm khoảng 3 tỷ Euro.
Đan Mạch cũng đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc thông qua chính sách quân sự chung với EU vào ngày 1/6 tới. Chính phủ Đan Mạch thông báo các đảng chính trị lớn của nước này “đồng ý rằng an ninh châu Âu đang bị đe dọa”.
Bên cạnh các thành viên riêng lẻ, Liên minh châu Âu, vốn từ lâu chỉ tập trung vào “sức mạnh mềm” của mình, cũng cam kết chi hàng trăm triệu USD để mua vũ khí cho quân đội Ukraine.
Các diễn biến này đang mở ra những cơ hội mới cho các nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Mỹ trong việc cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự tới châu Âu.