Có dấu hiệu hoạt động sửa chữa tại bãi phóng tên lửa của Triều Tiên

Hãng thông tấn Yonhap ngày 5/3 đưa tin Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) đã phát hiện những dấu hiệu về việc Triều Tiên có thể sửa chữa lại một phần bãi phóng tên lửa Dongchang-ri mà nước này đã dỡ bỏ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên tháng 6 năm ngoái.

Thông tin này được NIS công bố trong cuộc họp với Ủy ban Tình báo Quốc hội Hàn Quốc diễn ra cùng ngày.

Theo NIS, có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên dường như đang lắp đặt lại một mái vòm và một cửa tại cơ sở trên. Cũng tại cuộc họp NIS cho biết Triều Tiên đã dừng hoạt động lò phản ứng công suất 5 megawatt (MW) trong tổ hợp hạt nhân chính ở Yongbyon, phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng, từ cuối năm ngoái vì không có dấu hiệu của các hoạt động tái chế tại đó.

Chú thích ảnh
Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên nhấc khỏi bệ phóng Sohae ở Dongchang-ri, Triều Tiên, vào ngày 12/12/2012, ảnh do Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên phát hành.

NIS nêu rõ các đường hầm ngầm tại bãi thử hạt nhân của Triều Tiên ở Punggye-ri vẫn đóng và bị bỏ không kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành phá hủy các đường hầm này hồi tháng 5/2018.

Cũng theo cơ quan trên, giới chức quân sự Hàn Quốc và Mỹ đã vận hành một hệ thống giám sát "toàn diện" nhằm theo dõi các cơ sở tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, trong đó có các địa điểm làm giàu urani vốn được đưa vào thảo luận tại các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng.  

Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên, song một nguồn tin chính phủ Mỹ cho rằng hoạt động phục hồi một phần bãi phóng tên lửa Dongchang-ri được mô tả "dường như không quá đáng báo động" và "chắc chắn không ở mức độ nối lại các vụ thử tên lửa" mà Triều Tiên đã ngừng tiến hành kể từ năm 2017.     

Trong khi đó, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã bổ nhiệm thư ký mới, đảm trách việc nối lại hợp tác liên Triều và điều phối vấn đề này với Mỹ. Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn thông báo của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ông Choi Jong-kun đã được bổ nhiệm làm Thư ký tổng thống về vấn đề hòa bình.

Động thái trên xuất hiện trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 vừa qua giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không đạt được tuyên bố chung do những bất đồng liên quan tới mức độ Triều Tiên sẵn sàng hạn chế chương trình hạt nhân của mình cũng như việc Mỹ sẵn sàng nới lỏng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Ngày 4/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ hy vọng nước này sẽ cử một phái đoàn tới Triều Tiên trong vài tuần tới. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi các quan chức tìm cách tái khởi động đàm phán Mỹ-Triều.

Minh Tâm - Mạnh Hùng (TTXVN)
Trang mạng '38 North': Khả năng bãi thử hạt nhân của Triều Tiên chưa bị phá bỏ hoàn toàn
Trang mạng '38 North': Khả năng bãi thử hạt nhân của Triều Tiên chưa bị phá bỏ hoàn toàn

Trang mạng “38 North” chuyên theo dõi về Triều Tiên cho biết bãi thử hạt nhân của Triều Tiên có thể chưa bị phá bỏ hoàn toàn. Theo đó, các hình ảnh quan sát qua vệ tinh cho thấy các tòa nhà và đường sá tại địa điểm này vẫn còn nguyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN