Hình ảnh chụp từ video cho thấy Pakistan phóng tên lửa đáp trả các vụ tấn công của Ấn Độ, ngày 10/5/2025. Ảnh: AA/TTXVN
Bình luận với hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) mới đây, Muhammad Faisal, nhà nghiên cứu an ninh Nam Á tại Đại học Công nghệ Sydney cho rằng trong bối cảnh địa chính trị đầy biến động, ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu đang chứng kiến những thay đổi sâu sắc, được thúc đẩy bởi sự phát triển vượt bậc của công nghệ. Cuộc đối đầu quân sự gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan không chỉ là một điểm nóng khu vực mà còn là dấu hiệu rõ ràng cho một kỷ nguyên chiến tranh mới, nơi công nghệ tiên tiến đang định hình lại ưu tiên quân sự và mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng ra ngoài các đối tác truyền thống.
Đối đầu Ấn Độ -Pakistan: Thử nghiệm của công nghệ quân sự mới
Chuyên gia Faisal lưu ý, cuộc đối đầu quân sự kéo dài bốn ngày giữa Ấn Độ và Pakistan vào đầu tháng 5 vừa qua là một thời khắc then chốt. Sự kiện này không chỉ thu hút sự chú ý của toàn cầu mà còn cho thấy các hệ thống và phần cứng quân sự mới được hai quốc gia mua sắm đã hoạt động ra sao. Đây được xem là cuộc đụng độ "nóng" đầu tiên của một cuộc chiến tranh lạnh mới, nơi máy bay phản lực và tên lửa có nguồn gốc từ Trung Quốc đối đầu với vũ khí và công nghệ của phương Tây và Nga.
Cụ thể, vào ngày 7/5, Ấn Độ đã tiến hành các cuộc tấn công tên lửa vào các khu vực ở Pakistan và Kashmir do Pakistan quản lý, nhằm đáp trả vụ tấn công thảm sát ngày 22/4 tại Pahalgam. Những ngày sau đó, căng thẳng leo thang dữ dội hơn so với cuộc đối đầu Pulwama-Balakot năm 2019. Đáng chú ý, cả Ấn Độ và Pakistan đều đã đưa vào sử dụng những máy bay phản lực tối tân mới mua: Rafale của Pháp cho Ấn Độ và J-10C của Trung Quốc cho Pakistan.
Ấn Độ từng tuyên bố rằng Rafale sẽ ngang ngửa với các máy bay phản lực Trung Quốc của Pakistan. Tuy nhiên, trong trận không chiến ngày 7/5, Pakistan đã bắn hạ một chiếc Rafale của Pháp bằng tên lửa PL-15 được phóng từ một chiếc J-10C. Sự kiện này không chỉ gây chấn động ngay lập tức mà còn có khả năng châm ngòi cho các cuộc chạy đua vũ trang mới ở nhiều khu vực, khi ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, được chính phủ hậu thuẫn, tìm cách thể hiện năng lực công nghệ quân sự của mình.
Sự trỗi dậy của những nhà cung cấp mới
Trong nhiều thập kỷ, các nước đang phát triển chủ yếu mua sắm máy bay chiến đấu, tên lửa, xe tăng, tàu chiến và tàu ngầm đắt tiền từ các nhà cung cấp phương Tây (châu Âu và Mỹ), hoặc lựa chọn phần cứng của Nga với giá cả phải chăng hơn và ít ràng buộc chính trị. Tuy nhiên, cục diện này đang thay đổi với sự xuất hiện của Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ như những đối thủ cạnh tranh mới nổi.
Trung Quốc, với vị thế là một cường quốc kinh tế, đang dần mở rộng đáng kể thị phần của mình trong ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong năm năm qua, thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Trung Quốc đạt 5,9%, với gần hai phần ba lượng xuất khẩu là sang Pakistan. Cuộc đối đầu Ấn Độ - Pakistan gần đây đã mang lại cơ hội để ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc thu hút thêm các khách hàng mới, đặc biệt là những quốc gia đang đánh giá hiệu suất của các sản phẩm Trung Quốc trên chiến trường.
Sự xuất hiện của công nghệ và hệ thống quốc phòng Trung Quốc như những giải pháp thay thế khả thi sẽ thúc đẩy các quốc gia ở những khu vực như vùng Vịnh, Đông Âu, Đông Á, Châu Phi và Mỹ Latinh tăng cường hợp tác chính trị và quốc phòng với Trung Quốc. Trọng tâm mua sắm quốc phòng của họ sẽ chuyển từ các vũ khí truyền thống như xe tăng, tàu ngầm và máy bay chiến đấu sang các công nghệ mới đã được Pakistan chứng minh trong cuộc đối đầu với Ấn Độ, như: Thiết bị bay không người lái vũ trang, đạn tuần kích (loitering munitions), hệ thống phòng không, pháo tầm xa, tên lửa không đối không tầm xa. Những công nghệ này có khả năng tránh radar, tấn công với tốc độ và độ chính xác cao – những đặc điểm nổi bật của chiến tranh hiện đại.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nổi lên như một đối tác tiềm năng trong ngành công nghiệp quốc phòng. Khi các quân đội trên khắp thế giới đánh giá lại không gian chiến trường sau cuộc đối đầu ngắn ngủi giữa Ấn Độ và Pakistan, họ nhận thấy rằng thay vì các cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài, việc sử dụng thiết bị bay không người lái vũ trang và nhỏ đã tạo điều kiện cho các cuộc đối đầu nhanh gọn, chớp nhoáng nhằm đạt được các mục tiêu chính trị. Nhiều quốc gia hiện sẽ đầu tư vào việc thành lập các đơn vị hệ thống không người lái chuyên dụng để bổ sung cho lực lượng tấn công và giành được lợi thế hoạt động trên chiến trường.
Pakistan và Ấn Độ đã nổ ra cuộc đối đầu trên sau khi đã học hỏi và tiếp thu các bài học từ cuộc chiến Nga - Ukraine và cuộc xung đột Azerbaijan - Armenia. Những cuộc xung đột này đã chứng minh hiệu quả của các công nghệ tiên tiến trong tác chiến hiện đại.
Có thể thấy các diễn biến như vậy sẽ thúc đẩy những thay đổi lớn hơn trong các ưu tiên quân sự toàn cầu, mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng vượt ra ngoài các đối tác truyền thống của phương Tây và Nga. Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đang sẵn sàng tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước đang phát triển trên khắp các khu vực khác nhau. Để đáp ứng, các ngành công nghiệp quốc phòng của họ sẽ cần phải tiếp tục đổi mới và đưa ra các giải pháp tiết kiệm chi phí, vì nhu cầu toàn cầu về thiết bị bay không người lái và hệ thống phòng không nhiều lớp được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai.