Chiến thắng trên chiến trường, Tổng thống Syria sẽ tại vị dù Mỹ muốn hay không

Bất kỳ quyết định nào của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc chấp nhận quyền lãnh đạo của người đồng cấp Syria Bashar al-Assad giờ đã không còn quan trọng.

Poster in ảnh chân dung của Tổng thống Syria Assad. Ảnh: AFP

Chỉ trong hai ngày mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã khiến giới truyền thông chóng mặt về chính sách tại Syria. Ngày 11/12, tờ New Yorker dẫn nguồn từ các quan chức giấu tên Mỹ và châu Âu nói rằng chính phủ Mỹ đã chuẩn bị chấp nhận ông Assad tiếp tục giữ vững quyền lực trong vòng 4 năm tới.

Tuy nhiên, trong buổi họp báo ngày 12/12, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Heather Nauert lại nói rằng ông Assad sẽ sớm rời khỏi vị trí và Washington vẫn duy trì thực hiện tiến trình hòa bình Geneva.

Bà Nauert tuyên bố: “Chúng tôi vẫn tiếp tục tham gia vào tiến trình Geneva, chúng tôi tin về một Syria mà tương lai không có ông Bashar al-Assad, nhưng điều đó cuối cùng phụ thuộc vào người dân Syria”.

Trong khi đó, nhận định với đài phát thanh Sputnik, ông Michael Brenner - giáo sư các vấn đề quốc tế thuộc trường Đại học Pittsburgh - cho rằng chính phủ Mỹ sẽ phải công nhận việc ông Assad tiếp tục giữ vững vị trí khi giành chiến thắng trong cuộc nội chiến kéo dài 6 năm và rằng Mỹ chẳng thể làm được gì.

Giáo sư Brenner giải thích động thái triển khai hoạt động quân sự tại Syria gần đây của Mỹ gồm hai mục đích. Đó là “cắt tách khu vực ảnh hưởng phía đông bắc Syria và vùng sa mạc phía tây”.

Hiện lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) được Mỹ hậu thuẫn đang giành quyền kiểm soát tại vùng đông bắc, trong khi tàn dư của khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang cố thủ tại khu vực sa mạc sau khi trốn khỏi Raqqa. 

Giáo sư Brenner nhận định Washington phải thích nghi với những diễn biến này và tìm kiếm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán chính trị hậu chiến tranh. “Đó là vấn đề chết người vì chúng ta đang bị Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran gạt sang một bên”.

Tuy nhiên, theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng, Mỹ vẫn kiên quyết duy trì hoạt động trong khu vực tại trung tâm Syria. Mỹ vẫn còn các đồng minh như Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất và Israel. Điều này có nguy cơ làm leo thang căng thẳng trong khu vực, giáo sư Brenner cảnh báo.

Theo nhà hoạt động vì hòa bình kiêm luật sư nhân quyền Dan Kovalik, một trong những nguyên nhân khiến chính sách của Mỹ về vấn đề Syria còn rối rắm và đầy mâu thuẫn là do vẫn còn tồn tại một số thành phần “không khoan nhượng” trong số các nghị sĩ Mỹ. Những người này vốn kiên quyết muốn ngăn chặn việc Tổng thống Trump có chính sách chấp nhận ông Assad.

Luật sư Kovalik giải thích: “Tất nhiên, trong lịch sử, bao gồm cả những sự kiện gần đây, có nhiều thế lực mạnh trong nước Mỹ không cho phép điều này xảy ra”. Ông Kovalik cảnh báo các thế lực phản đối tại Mỹ rất có thể sẽ dàn dựng một vụ việc giả mạo hoặc sự hiểu lầm nhằm buộc Tổng thống Trump lâm vào một cuộc xung đột mới với chính quyền Syria.

Ông Kovalik nhấn mạnh: “Nếu Tổng thống Trump có thể thực hiện được lời cam kết chấp thuận ông Assad là tổng thống Syria cho đến năm 2021, sự kiện này có thể đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ đen tối bắt nguồn từ âm mưu thay đổi chính quyền và chống phá nhà nước do Mỹ hậu thuẫn tại Trung Đông”. Mỹ nên để “người dân Syria tự quyết định qua các cuộc bầu cử để xem ai lãnh đạo họ”.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Chiến đấu cơ Nga xua đuổi F-22 Mỹ trên bầu trời Syria
Chiến đấu cơ Nga xua đuổi F-22 Mỹ trên bầu trời Syria

Bộ Quốc phòng Nga thông báo vụ một chiếc máy bay chiến đấu Su-35 của Nga đuổi theo chiếc F-22 của Mỹ trên bờ tây sông Euphrates (Syria) bắt nguồn từ việc máy bay Mỹ khơi mào "quấy nhiễu" trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN