Phương tiện truyền thông Trung Quốc mới đây cho biết quân đội nước này đang cho bay thử nghiệm loại chiến đấu cơ mới, J-16. Loại máy bay mới nhất này của Trung Quốc được cho là “bản sao" của máy bay tiêm kích Sukhoi Su- 30MKK (mã của NATO: Flanker- G), loại máy bay chiến đấu đa năng 2 chỗ ngồi của Nga.Sau khi hợp tác với các công ty của Nga trong thời gian từ năm 1998 đến năm 2002 để cho ra đời phiên bản cơ bản Su-27SK (Flanker- B) hay còn gọi là J-11, Tập đoàn chế tao máy bay Thẩm Dương của Trung Quốc (SAC) bắt đầu sản xuất một phiên bản tự thiết kế được gọi là J-11B vào năm 2004. Tiếp theo đó Tập đoàn này cho ra đời một biến thể hai chỗ ngồi J- 11BS (giống như Su- 27UBK Flanker- C) trong năm 2007.
Máy bay chiến đấu J-16 của Trung Quốc. Ảnh: THX |
Năm 2009, SAC đã bay thử nghiệm thành công máy bay chiến đấu trên tàu sân bay J- 15, vốn được phát triển theo mô hình T-10K, một mẫu thử nghiệm Su-33 (Flanker- D) của Hải quân Nga.
Trong những năm gần đây, Moskva đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về hiện tượng các nhà sản xuất của Trung Quốc “sao chép” các mẫu máy bay chiến đấu của phía Nga mà không có giấy phép, một yếu tố quan trọng cản trở việc đàm phán gần đây về Su-35 ( Flanker- E) giữa hai nước.
Tuy nhiên, điều này dường như không thể ngăn cản việc Trung Quốc tiếp tục “nhái” các phiên bản Sukhoi với J -16 là một ví dụ mới nhất.
Su- 30MKK là chiến đấu cơ đa năng thực sự đầu tiên của dòng Sukhoi Flanker. Trung Quốc đã mua tổng cộng hơn 100 chiếc loại này từ Nga trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2004, trong đó có 24 chiếc biến thể cải tiến Su- MKK2 cho lực lượng Không quân Hải quân của mình.
Loại máy bay hiện đại này được trang bị hệ thống chế áp điện tử (ECM) và hệ thống C4ISR (hệ thống Chỉ huy, Kiểm soát, Thông tin liên lạc, Máy tính, Tình báo, Giám sát và Trinh sát) hiện đại; mang theo các loại tên lửa không đối không và không đối đất.
Trong khi đó, J-16 có khả năng sẽ được trang bị các loại vũ khí do Trung Quốc sản xuất, có thể bao gồm cả tên lửa PL-12 là loại tên lửa không đối không tầm trung thế hệ thứ 4 của Trung Quốc, có chiều dài 3,85m, trọng lượng 180kg, tầm bắn tối đa lên đến 100km, tốc độ tối đa Mach 4, sử dụng radar dò tìm chủ động để tìm kiếm mục tiêu. Ngoài ra, nó cũng có thể mang theo tên lửa chống bức xạ YJ- 91 (bản sao của Kh-31P), siêu tên lửa chống tàu YJ- 12, tên lửa dẫn đường không đối đất KD- 88 TV và nhiều loại định hướng tia laser.
J-16 có lẽ chỉ là một ví dụ mới nhất cho thấy sự bùng nổ của ngành công nghiệp hàng không quân sự của Trung Quốc với ít nhất 5 -6 chương trình phát triển máy bay chiến đấu trong cả hai thế hệ thứ 4 và thứ 5 đang được triển khai cùng một lúc. Trong bối cảnh ngân sách quân sự chung của thế giới suy giảm, Trung Quốc vẫn đang nỗ lực đầu tư phát triển các thế hệ máy bay chiến đấu mới với mục đích bắt kịp với các đối thủ của mình là Nga và phương Tây.
Nếu các chương trình trên thành công, chúng sẽ cho phép Bắc Kinh đứng vào hàng ngũ các quốc gia có lực lượng không quân được trang bị tốt nhất trên thế giới.
CT (Theo I.D)