Tại buổi gặp gỡ trước thềm cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels, giám đốc điều hành của các công ty quốc phòng cho biết ngành công nghiệp này vốn định hướng rằng các quốc gia EU sẽ chi tiêu ít hơn cho quốc phòng sau nhiều thập kỷ hòa bình ở châu Âu.
Ngày 11/10, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh đã bắt đầu đối thoại với các công ty công nghiệp quốc phòng và các đồng minh về cách thúc đẩy sản xuất, cũng như nhanh chóng lấp đầy kho vũ khí.
Ông Stoltenberg cho hay các bộ trưởng quốc phòng NATO sẽ sớm đưa ra quyết định về việc tăng cường dự trữ đạn dược. Theo ông, việc mở cửa các kho đạn để hỗ trợ Ukraine là điều cần thiết, nhưng tốc độ sản xuất hiện tại cũng cần được tăng lên để đảm bảo tiềm lực của chính các thành viên trong khối quân sự này.
Ông Nicolas Chamussy, Giám đốc điều hành công ty quốc phòng Nexter của Pháp, cho biết ngành công nghiệp này cần phải thích ứng với xu hướng gia tăng nhu cầu thiết bị quân sự của EU, trong khi năng lực sản xuất vốn được thiết kế cho thời bình.
Giám đốc Nexter cho rằng nhu cầu nâng cao sức mạnh pháo binh ở châu Âu hiện rất quan trọng.
"Một hậu quả tức thì (của cuộc xung đột ở Ukraine) với chúng tôi là chúng tôi được yêu cầu phải chế tạo nhiều hơn và chuyển giao nhanh hơn", ông Eric Beranger, người đứng đầu công ty sản xuất tên lửa MBDA chia sẻ.
Trong khi đó, Giám đốc Chamussy tại Nexter đã kêu gọi các nhà lãnh đạo EU tránh kịch bản mà ông gọi là "tái phân khúc ở cấp độ quốc gia" khi các nước thành viên đều theo đuổi chương trình nghị sự riêng. "Ngược lại, thách thức này phải được giải quyết ở cấp độ châu Âu", ông nói thêm, đồng thời kêu gọi tăng cường năng lực quân sự và hợp tác hiệu quả hơn trong toàn liên minh.
Để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực, ông Nicolas Chamussy đã kêu gọi EU giúp tìm kiếm nhân viên, cũng như mời gọi những người trong ngành đã nghỉ hưu sớm hoặc khai thác chuyên gia từ các công ty khác.
Tuần trước, ban lãnh đạo EU đã nhất trí viện trợ nhiều hơn cả về tài chính và quân sự cho Ukraine. Quan chức phụ trách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell tiết lộ các đề xuất cụ thể về vấn đề trên sẽ được thảo luận trong tháng nay.
Sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công tên lửa dữ dội ngày 11/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố sẽ yêu cầu các nhà lãnh đạo G7 khẩn trương cung cấp vũ khí phòng không cho Ukraine.
Trong diễn biến liên quan, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis ngày 4/10 cho biết các Bộ trưởng Tài chính EU đã nhất trí đưa các khoản viện trợ của khối dành cho Ukraine vào ngân sách năm 2023 để khoản chi này được cơ cấu và dự tính trước.
Động thái trên được cho là sẽ thắt chặt liên kết giữa EU với Ukraine, nước đang muốn gia nhập khối này. EU đã nhất trí hỗ trợ cho Ukraine 9 tỷ euro hồi tháng 5 vừa qua, và đã lần đầu tiên chi 1 tỷ euro riêng trong tháng 7.
Ông Dombrovskis cho biết gói chi tiếp theo trị giá 5 tỷ euro sẽ được đưa ra vào giữa tháng 10 tới và 3 tỷ euro còn lại sẽ được giải ngân theo hai đợt vào tháng 11 và 12.