Các chiến thuật mới của Nga nhằm chọc thủng lưới phòng không của Ukraine 

Các máy bay chiến đấu của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga gần đây đã thay đổi chiến thuật và chuyển sang tấn công nhiều hơn.

Chú thích ảnh
Các máy bay chiến đấu của Nga. Ảnh: Sputnik

Bước thay đổi trong chiến thuật tấn công trên không của Nga vừa được ông Alexei Dmitrashkovsky - người đứng đầu trung tâm báo chí chung của Ukraine - tiết lộ.

Theo ông Dmitrashkovsky, không giống như trước đây khi các máy bay chiến đấu của Nga chủ yếu làm sứ mệnh phòng thủ, giờ đây, chúng chuyển sang chiến thuật tấn công phối hợp. Ví dụ, hai máy bay đã đánh lừa các lực lượng phòng không của Ukraine, tạo điều kiện cho chiếc thứ ba tấn công. 

Thay đổi chiến thuật trên không

Kể từ tháng 11/2022, khi các lực lượng Nga rút khỏi hữu ngạn sông Dnieper ở vùng Kherson để ổn định và thu gọn chiến tuyến, các máy bay chiến đấu của Nga đã duy trì tư thế phòng thủ.

Máy bay Nga chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ trên không dọc theo mặt trận, nhằm ngăn chặn các máy bay chiến đấu của Ukraine tấn công lực lượng mặt đất của Nga, đồng thời hỗ trợ cho các lực lượng mặt đất Nga hoạt động dọc theo mặt trận.

Các máy bay chiến đấu của Nga đã không làm các nhiệm vụ SEAD (Ngăn chặn lực lượng phòng không của kẻ thù) nhằm thiết lập ưu thế trên không để tự do tấn công vào vùng trung tâm Ukraine.

Theo ông Dmitrashkovsky, các chiến thuật được Nga sử dụng để chiếm ưu thế trên không như sau: Các máy bay chiến đấu hàng đầu của Nga, chẳng hạn như Su-35S và Su-30SM, bay tuần tra liên tục 24/7 tại những khu vực được chỉ định bao phủ toàn bộ tiền tuyến. 

Các máy bay chiến đấu này được trang bị tên lửa không đối không (A2A) hoặc kết hợp giữa tên lửa A2A và tên lửa chống bức xạ đơn (ARM). ARM được dùng để tấn công các radar phòng không của Ukraine, ngay khi chúng bắt đầu phát xạ để theo dõi máy bay Nga.

Phi đội máy bay chiến đấu của Nga sẽ thực hiện các cuộc tuần tra cách xa tầm bắn những hệ thống phòng không của Ukraine để đánh lạc hướng, đồng thời tạo kẽ hở cho máy bay ném bom Nga Su-34, máy bay tấn công Su-30SM, Su-25 cũng như là máy bay trực thăng tấn công Mi-28, Mi-35, Ka-52 tấn công các cơ sở và thiết bị quân sự của Ukraine. 

Các máy bay chiến đấu Nga cũng làm nhiệm vụ ngăn chặn máy bay cường kích Ukraine như MiG-29, Su-25 và Su-24 tấn công binh sĩ Nga dọc theo chiến tuyến.

Đáng chú ý, tên lửa ARM Kh-31P của Nga đủ sức mạnh để phá hủy bất kỳ radar phòng không nào của Ukraine - bất kể tầm trung, tầm xa hay là cảnh báo sớm - đang hoạt động để dẫn đường cho tên lửa. 

Các phi công Nga gọi Kh-31P là "Cái chết siêu thanh” bởi lẽ nó dường như bất khả xâm phạm trước hệ thống phòng không của đối phương nhờ tốc độ cao và khả năng phản đòn nhạy bén. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố tỷ lệ thành công của Kh-31P là 98% sau vài chục vụ lần phóng tại chiến trường Ukraine.

Chú thích ảnh
Máy bay không người lái Lancet. Ảnh: Eurasian Times

Chấp nhận rủi ro

Lâu nay, lý do các máy bay chiến đấu của Nga muốn tránh phạm vi hoạt động của mạng lưới phòng không Ukraine, mặc dù sỡ hữu vũ khí mạnh như Kh-31P, là vì nguồn thông tin nhắm mục tiêu theo thời gian thực từ Hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không (AWACS) của Mỹ và phương Tây. Nhờ chúng, tên lửa của Ukraine có thể nhắm mục tiêu vào chiến đấu cơ của đối phương mà không cần bật radar tìm kiếm, gây rủi ro cho các máy bay chiến đấu và phi công của Nga.

Tuy nhiên, theo quan chức Ukraine, hiện tại, các máy bay chiến đấu của Nga không còn tránh tầm hoạt động của phạm vi của lưới phòng không Ukraine nữa. Chúng đang bay vào không phận tranh chấp để kích động các hệ thống vũ khí của Ukraine tung đòn tấn công và qua đó xác định được vị trí của các mục tiêu này nhằm thực hiện tấn công sau đó. Hay nói cách khác, Moskva đang chấp nhận rủi ro gia tăng nhằm mục đích tiêu diệt các hệ thống phòng thủ của Ukraine.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ukraine thiếu tên lửa phòng không. Ngoài ra, các chiến đấu cơ của Nga đều bay ở độ cao trung bình, cũng như được trang bị các hệ thống đánh lạc hướng EW/IR, làm giảm nguy cơ bị tấn công. Rõ ràng, Nga tin rằng cần phải chấp nhận những rủi ro đó và đã đến lúc phải tấn công.

Đưa drone và bom lượn vào chiến trường

Theo ông Dmitrashkovsky, Nga cũng bắt đầu sử dụng máy bay không người lái (drone) cảm tử theo cách mới. Các binh sĩ Nga đang sử dụng máy bay không người lái Geran-2 để thu hút hỏa lực từ các hệ thống phòng không của Ukraine và sau đó tấn công các hệ thống đó bằng máy bay không người lái Lancet.

“Sau khi triển khai Shahed, Lancet xuất hiện. Đó cũng là chiến lược để xác định vị trí phòng không và sau đó tấn công chúng”, quan chức Ukraine nói.

Nga từng sử dụng các loại bom lượn, chẳng hạn như UPAB-1500B, PBK-500U Drel và Grom (Thunder) trong chiến dịch không kích chống lại lực lượng của Ukraine. Những quả bom này có tầm bắn khoảng 60 km và chứa từ 500-1.500 kg thuốc nổ. Sức công phá mạnh mẽ của những quả bom này có thể tiêu diệt mục tiêu mà không cần độ chính xác cao.   

Sức hủy diệt của bom lượn có thể khiến lực lượng phòng không Ukraine đứng trước lựa chọn khó khăn. Nếu không bắn phá quả bom, mục tiêu sẽ bị đe dọa. Còn nếu bắn phá, hệ thống phòng không lại hứng chịu nguy cơ bị tấn công bởi một tên lửa Kh-31P phóng từ máy bay chiến đấu của Nga.

Trước đó, EurAsian Times từng báo cáo về dấu hiệu cho thấy Nga chuẩn bị triển khai máy bay không người lái tấn công hạng nặng LO Sirius (Inokhodets-RU) dọc theo mặt trận Ukraine. Những máy bay không người lái này có khả năng thả bom dẫn đường chính xác nặng 100 kg từ khoảng cách xa.

Rõ ràng là không quân Nga đang siết gọng kìm các lực lượng Ukraine thông qua việc chuyển đổi hiệu quả từ thế phòng thủ sang thế tấn công dọc theo chiến tuyến.

Có vẻ như các vụ tấn công cơ sở hạ tầng bằng tên lửa hành trình đắt tiền trước đây của Nga đã không gây được tác động như mong muốn đến năng lực chiến đấu của Ukraine.

Dòng chảy vũ khí và đạn dược từ phương Tây, cùng với các thiết bị phát điện và lưới điện, đã giúp lực lượng Ukraine bám trụ. Do vậy, Nga giờ đây đã phải sử dụng chiến thuật tấn công mạnh mẽ bằng những quả bom không vận hạng nặng.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo Eurasian Times)
Xung đột Ukraine khiến các nước Đông Âu vay nợ nhiều chưa từng có
Xung đột Ukraine khiến các nước Đông Âu vay nợ nhiều chưa từng có

Tại Đông Âu, tổn thất tài chính liên quan cuộc xung đột Nga – Ukraine đang ngày một nhiều khi các nước này phải trả tiền trợ cấp năng lượng, tăng cường xây dựng quân đội, chi phí ăn ở và học hành cho người tị nạn Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN