Từ năm 2014, Libya đang tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. GNA được Liên hợp quốc (LHQ) ủng hộ và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đang hoạt động ở thủ đô Tripoli. Trong khi đó, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga và Ai Cập ủng hộ.
Theo Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, người đứng đầu bộ này, ông Hulusi Akar và Tham mưu trưởng Yasar Guler đang ở Tripoli để "giám sát các hoạt động" theo thỏa thuận hợp tác quân sự đã ký năm 2019 với Libya. Hiện cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang nổi lên là những nhà trung gian hòa giải chính trong cuộc xung đột tại Libya trong bối cảnh chiến tuyến đang được thiết lập tại các thị trấn trung tâm là Sirte và Jufra trong vài tuần qua.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, người đã gặp riêng người đồng cấp trong chính phủ GNA khẳng định vấn đề trọng yếu là giải quyết xung đột và bày tỏ sự ủng hộ những lời kêu gọi thiết lập vùng phi quân sự quanh Sirte.
Ông nêu quan điểm cho rằng cả hai bên và các đồng minh quốc tế đang tiếp tục trang bị vũ khí trên quy mô lớn và cùng giữ lập trường tiên quyết tiến tới một lệnh ngừng bắn. Theo kế hoạch, ông Mass sẽ tới UAE trong khuôn khổ chuyến công du khu vực này. Ông Maas bày tỏ mong đợi một dấu hiệu tích cực từ quốc gia Vùng Vịnh này trong vấn đề Libya, thông qua ảnh hưởng của nước này với Tướng Haftar.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm về các cuộc xung đột tại Libya và Syria. Điện Kremlin cho biết trọng tâm cuộc điện đàm là cuộc khủng hoảng tại Libya, trong đó hai bên nhấn mạnh cần có các bước đi thực tế nhằm đạt được lệnh ngừng bắn bền vững.