Bộ trưởng Lorenzana, người chịu trách nhiệm quản lý thiết quân luật, cho biết nhiều khả năng ông sẽ không đề xuất với Tổng thống Duterte gia hạn thiết quân luật ở toàn bộ vùng Mindanao sau khi thiết quân luật hết hiệu lực vào ngày 31/12/2019. Ông Lorenzana nêu rõ: "Cá nhân tôi, không ngả theo hướng gia hạn. Trừ khi quân đội và cảnh sát đề xuất như vậy. Tôi sẽ chờ đợi đề xuất, mà tôi sẽ nhận được trước tháng 12".
Theo Bộ trưởng Lorenzana, thiết quân luật tới nay đã được áp đặt "quá lâu" tại khu vực, nơi ẩn náu của các tay súng Hồi giáo và cánh tả. Bằng cách dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật, ông khẳng định các lực lượng an ninh "có thể làm nhiệm vụ của họ".
Hồi tháng trước, Trung tướng Cirilito Sobejana - tướng chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Tây Mindanao thuộc Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) cho biết ông ủng hộ việc áp đặt thiết quân luật tại một số tỉnh "có chọn lọc" như Khu tự trị Bangsamoro tại vùng Mindanao Hồi giáo (BARMM). Khu vực BARMM gồm các tỉnh Maguindanao, Basilan, Sulu, Tawi-tawi và các thành phố Cotabato, Marawi, Lamitan, cùng với 63 làng thuộc thị trấn Bắc Cotabato.
Các nhóm cực đoan ở khu vực miền Nam Philippines có đa số người theo đạo Cơ đốc đã kích động bạo lực trong nhiều thập kỷ qua, làm hàng nghìn người thiệt mạng. Đảo Jolo và nhiều khu vực hẻo lánh khác ở miền Nam Philippines là địa bàn của nhiều nhóm vũ trang cực đoan, trong đó có Abu Sayyaf. Nhóm này hoạt động mạnh tại miền Nam Philippines từ đầu những năm 1990 nhằm thiết lập một nhà nước Hồi giáo tại đây, khét tiếng với hàng loạt vụ bắt cóc và đánh bom tại khu vực.