Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết thêm có một số trường hợp được miễn lệnh cấm đi lại này như các chuyến công tác quan trọng, các chuyến đi cần thiết vì lý do nhân đạo.
Cùng ngày, Cục An toàn Vận tải hành khách liên bang Mỹ (FMCSA) đã ban hành lệnh khẩn cấp trên toàn quốc, theo đó loại bỏ các yêu cầu dịch vụ rườm rà đối với các lái xe chở các đồ cứu trợ khẩn cấp chống COVID-19 nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển các mặt hàng quan trọng này tới các vùng dịch trên toàn nước Mỹ.
FMCSA thuộc Bộ Giao thông vận tải Mỹ cho biết lệnh trên được áp dụng đối với hoạt động vận chuyển các thiết bị, vật tư y tế liên quan tới công tác xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị bệnh COVID-19, lương thực và thực phẩm bổ sung khẩn cấp cho các cửa hàng, vật dụng và thiết bị như khẩu trang, găng tay, nước rửa tay sát khuẩn, xà phòng và dung dịch sát khuẩn, các thiết bị, đồ dự trữ và nhân lực cần thiết cho việc thiết lập và quản lý các điểm cách ly cũng như việc vận chuyển nhân viên y tế...
Trong một tuyên bố, Quyền Cục trưởng FMCSA Jim Mullen cho biết quyết định này sẽ giúp các tài xế Mỹ vận chuyển các mặt hàng thiết yếu này tới các vùng dịch nhanh hơn và hiệu quả hơn. Lệnh này dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 12/4.
Đây là lần đầu tiên FMCSA ban hành lệnh khẩn cấp trên toàn quốc. Trước đây, các lệnh khẩn cấp được ban bố trong nỗ lực ứng phó với các thảm họa thiên tai và các tình trạng khẩn cấp trong khu vực như cháy rừng, bão, bão tuyết, song không bao trùm trên toàn nước Mỹ như lần này.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 13/2, Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernandez cho biết nước này đã ghi nhận ca mắc COVID-19 thứ ba.
Phát biểu trên đài truyền hình, Tổng thống Hernandez cho biết bệnh nhân này là một người đàn ông 64 tuổi, nhiễm bệnh từ một người thân. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Honduras không nói rõ vụ lây nhiễm này có xảy ra ở bên trong lãnh thổ Honduras hay không.