Báo Đức: Berlin không thể phòng thủ trước tên lửa Oreshnik của Nga

Trích dẫn một phân tích nội bộ của Bộ Ngoại giao Đức, tờ Bild cho biết hệ thống phòng không của Berlin không có khả năng bảo vệ hiệu quả nước này khỏi tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới của Nga.

Chú thích ảnh
Tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik của Nga. Ảnh: The Defense News/TTXVN

Trong bài báo đăng hôm 27/12, tờ Bild đưa tin Bộ Ngoại giao Đức đã ủy quyền tiến hành một nghiên cứu nội bộ về năng lực phòng không của Berlin và Kiev trước mối đe dọa tiềm tàng từ tên lửa đạn đạo Oreshnik của Nga. Các nhà ngoại giao Đức đã nhờ đến chuyên môn của một sĩ quan liên lạc và một số chuyên gia phòng không trong quân đội nước này.

Theo đó, kết luận mà các chuyên gia đưa ra là “Đức sẽ không có khả năng phòng thủ trước một cuộc tấn công của Oreshnik”. Tờ Bild trích dẫn tài liệu này cảnh báo rằng hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất cũng “không phù hợp để chống lại các tên lửa đạn đạo tầm xa, chẳng hạn Oreshnik”.

Theo phân tích của Bộ Ngoại giao Đức, xét đến tốc độ và khả năng cơ động của tên lửa Nga, “một vụ đánh chặn tiềm tàng sẽ là một đòn đánh may mắn hơn”.

Tuy nhiên, tờ Bild lưu ý hệ thống phòng không Arrow do Israel sản xuất, mà Berlin đã đặt hàng vào năm ngoái, có thể giúp thu hẹp khoảng cách.

Ngày 21/11, Nga đã lần đầu thử nghiệm trong chiến đấu Oreshnik - tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung, có thể mang nhiều loại đầu đạn, bao gồm cả đầu đạn hạt nhân - để tấn công cơ sở công nghiệp quân sự Yuzhmash của Ukraine tại thành phố Dnepr. Bình luận về vụ tấn công, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Oreshnik di chuyển với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh và không thể bị đánh chặn bởi bất kỳ hệ thống phòng không nào hiện có.

Hôm 26/12, Tổng thống Putin cho biết mặc dù Nga chưa có nhiều hệ thống Oreshnik và không vội sử dụng chúng, nhưng Moskva không loại trừ khả năng sử dụng chúng bất cứ khi nào nếu cần thiết. Nhà lãnh đạo Nga nói thêm rằng tên lửa siêu vượt âm này đã được đưa vào sản xuất hàng loạt và xác nhận một số đơn vị tên lửa sẽ được triển khai tới đồng minh thân cận của Nga là Belarus.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố: “Tôi nghĩ sẽ là 10 hệ thống trong thời điểm hiện tại, và sau đó chúng tôi sẽ xem xét thêm”.

Tại cuộc họp báo thường niên cuối năm vào tuần trước, ông Putin đã thách thức phương Tây tham gia một “cuộc đối đầu công nghệ cao”. Trong đó, Nga sẽ tấn công một mục tiêu được xác định trước, chặn hạn ở Kiev, bằng tên lửa Oreshnik và các hệ thống phòng không phương Tây được triển khai đến Ukraine sẽ cố gắng bắn hạ tên lửa tối tân này.

Bình luận về số lượng đầu đạn của tên lửa Oreshnik, chuyên gia Tom Karako tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, cho rằng bên phòng thủ sẽ phải huy động lượng lớn tên lửa để bắn hạ toàn bộ đầu đạn trên mỗi quả Oreshnik, nhất là khi cần hai đạn cho mỗi mục tiêu để bảo đảm khả năng đánh chặn.

Đầu tháng này, ông Putin cũng giải thích rằng việc phát triển Oreshnik là để đáp trả quyết định triển khai tên lửa tầm trung ở Tây Âu của Mỹ. Với việc triển khai tên lửa Oreshnik và các diễn biến quân sự gần đây, Nga đang phát đi tín hiệu mạnh mẽ về khả năng công nghệ cũng như sự quyết tâm đối đầu với các thách thức từ phương Tây và Ukraine.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Belarus muốn tiếp nhận ít nhất 10 tên lửa siêu vượt âm Oreshnik của Nga
Belarus muốn tiếp nhận ít nhất 10 tên lửa siêu vượt âm Oreshnik của Nga

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết, nước này muốn triển khai ít nhất 10 hệ thống tên lửa siêu vượt âm tầm trung Oreshnik của Nga và sẵn sàng tiếp nhận nhiều hơn nữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN