Theo kênh truyền hình RT, những chiếc máy bay ném bom B-52 này đã bay thẳng một mạch từ Căn cứ Không quân Barksdale ở Louisiana vào ngày 27/1 tới Trung Đông, chỉ một tuần sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Trong suốt quá trình thực hiện sứ mệnh trên Vịnh Ba Tư, máy bay ném bom được các chiến đấu cơ của Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ cùng máy bay của Không quân Saudi Arabia hộ tống.
Trong đoạn video được công bố, ít nhất hai máy bay ném bom B-52 được tổng cộng 4 chiến đấu cơ của Mỹ và Saudi Arabia theo sát (xem video dưới):
Theo các dòng trạng thái đăng trên mạng xã hội Twitter, Bộ Chỉ huy Trung tâm của Mỹ cho biết đây là các máy bay thực hiện nhiệm vụ “phòng thủ" cũng như "tăng cường quan hệ đối tác", thể hiện năng lực của quân đội Mỹ trong việc "triển khai sức mạnh không quân ở bất cứ đâu trên thế giới nhằm ngăn chặn sự xâm lược tiềm ẩn”.
Trong các tuyên bố, quân đội Mỹ không chỉ rõ hay nhắc đích danh Iran song một số phương tiện truyền thông vẫn cho rằng đây có thể là tín hiệu Washington muốn gửi tới quốc gia Cộng hòa Hồi giáo trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra giữa Washington và Tehran. Quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng xuống dốc dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump.
Khi còn tại nhiệm, Tổng thống Trump đã quyết định Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và tái áp dụng tất cả các lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ trước đó đối với Iran cũng như áp dụng các lệnh trừng phạt mới. Vào tháng 1/2020, cuộc không kích có chủ đích do Mỹ dẫn đầu đã khiến Tướng cấp cao của Iran Qassem Soleimani thiệt mạng khi ông này đang có chuyến thăm tới Iraq. Sự việc càng khiến căng thẳng giữa Washington và Tehran leo thang.
Chính quyền tân Tổng thống Joe Biden cho đến nay vẫn tỏ thái độ dè dặt đối với Tehran và nhiều lần ra dấu hiệu Mỹ sẽ quay lại thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, nhiệm vụ của các máy bay ném bom ngày 27/1 cho thấy Washington dường như không sẵn sàng từ bỏ các cuộc biểu dương vũ lực khi đối đầu với các đối thủ, đặc biệt là ở Trung Đông.
Trước đó, Tehran đã nhiều lần hối thúc Tổng thống Biden đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận và dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt áp đặt. Iran nêu đó là điều kiện để họ quay trở lại các cam kết theo thỏa thuận liên quan đến làm giàu urani.