Sau khi quan sát hình ảnh vệ tinh thương mại, các chuyên gia tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) – tổ nghiên cứu an ninh quốc gia phi đảng phái - phát hiện rằng Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trên các bãi xây dựng hầm ngầm ở miền Tây nước này.
“Đối với Trung Quốc, đây là công cuộc tăng cường hạt nhân chưa từng có tiền lệ”, hai tác giả Matt Korda và Hans M. Kristensen viết trong báo cáo được công bố ngày 2/11 của FAS.
Kênh truyền hình CNN đưa tin hai chuyên gia lưu ý rằng các điểm đặt hầm tên lửa vẫn còn nhiều năm nữa mới có thể vận hành toàn diện. Việc Trung Quốc sẽ trang bị và sử dụng chúng thế nào vẫn là điều bỏ ngỏ.
Tuy nhiên, những báo cáo gần đây đã làm tăng thêm mối lo ngại của giới chức Mỹ về tiến trình quân sự nhanh chóng của Trung Quốc. Sự phát triển đáng ngờ về một hầm chứa tên lửa đầu tiên đã được ghi nhận vào cuối tháng 6.
Sau một báo cáo khác được FAS công bố vào tháng 7 nghi Trung Quốc phát triển ngờ phát triển hầm thứ hai, Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ viết trên mạng xã hội Twitter rằng: "Đây là lần thứ hai trong hai tháng, công chúng phát hiện những gì chúng tôi đã nói về mối đe dọa ngày càng tăng mà thế giới phải đối mặt và bức màn bí mật bao quanh nó”
Đại tá Hải quân Charles A. Richard, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ hồi tháng 8 nhận xét: "Chúng ta đang chứng kiến một sự đột phá chiến lược của Trung Quốc”.
Các hình ảnh vệ tinh thương mại của công ty Maxar Technologies và Planet Labs do FAS phân tích cung cấp một số hình ảnh chi tiết nhất về ba hầm chứa tên lửa tại nơi Trung Quốc dường như đang xây dựng khoảng 300 hầm chứa tên lửa mới.
Kristensen nói với CNN: "Điều đáng chú ý là quy mô và tốc độ của việc này không đồng bộ với những gì Trung Quốc đã làm trước đây", Kristensen nói với CNN.
CNN đã liên hệ với Chính phủ Trung Quốc để bình luận về báo cáo mới trên.
Từ lâu, Trung Quốc đã cam kết thực hiện chính sách răn đe tối thiểu, nghĩa là nước này giữ kho vũ khí hạt nhân của mình ở mức tối thiểu cần thiết để răn đe kẻ thù tấn công. Bắc Kinh được cho là có số lượng bằng khoảng 1/10 số vũ khí hạt nhân mà Nga và Mỹ sở hữu, đồng thời cam kết không sử dụng vũ khí vũ hạt nhân phủ đầu.
Tháng 9 vừa qua, kênh Al Jazeera đưa tin Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS) đánh giá Trung Quốc đang xây dựng chuỗi hầm tên lửa thứ hai dành cho phóng tên lửa hạt nhân. Họ rút ra kết luận sau khi phân tích các hình ảnh vệ tinh thương mại. Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ ngày 26/7 cho biết chuỗi hầm tên lửa này nằm gần thành phố Hami, tỉnh Tân Cương.
Các hầm này nằm cách căn cứ quân sự tại thành phố Ngọc Môn, tỉnh Cam Túc, 380 km. Đây là địa điểm một nhóm nhà khoa học khác vào đầu tháng 7 phát hiện 120 hầm tên lửa đang được xây dựng. Theo FAS, như vậy có khả năng Quân đội Trung Quốc đang sở hữu 250 hầm chứa tên lửa tại Ngọc Môn và Hami. Đây là lượng tăng đáng kể khi Trung Quốc trong nhiều thập niên qua chỉ vận hành 20 hầm chứa dành cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-5.
FAS nhận định số hầm chứa tên lửa Trung Quốc đang xây dựng còn vượt qua số hầm chứa ICBM của Nga và bằng 1/2 lượng hầm chứa ICBM của Mỹ. Các chuyên gia của FAS cho rằng hầm chứa tên lửa mới giúp Trung Quốc tăng gấp đôi hoặc gấp 3 kho đầu đạn hạt nhân.