Theo hãng tin Reuters (Anh), New Delhi từ lâu đã mong muốn đa dạng hoá nguồn cung cho lực lượng vũ trang, thậm chí quốc gia này còn kỳ vọng tự phát triển nhiều loại vũ khí trong nước. Tuy nhiên, hai quan chức chính phủ và một nguồn tin quốc phòng cho biết mục tiêu này đã trở nên cấp bách hơn kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine và Moskva đang phải đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, để tránh phải nhập khẩu vũ khí từ nước ngoài, New Delhi đã đề ra kế hoạch trang bị quốc phòng trị giá 324 triệu USD trong năm nay, chủ yếu chi cho các công ty sản xuất vũ khí trong nước.
Nguyên soái Không quân Vibhas Pande - người chỉ đạo các hoạt động bảo trì của Không quân Ấn Độ, nói với các nhà sản xuất quốc phòng ở New Delhi: “Trật tự thế giới hiện nay và kịch bản địa chính trị vô cùng hỗn loạn đã dạy cho chúng ta một bài học. Nếu chúng ta muốn đảm bảo chắc chắn và ổn định, lựa chọn duy nhất là thiết lập cơ chế chuỗi cung ứng hoàn toàn tự lực, tự chủ trong nước”.
Một tài liệu khác cho biết Không quân Ấn Độ đang tìm kiếm các nguồn cung thiết bị như hệ thống phóng máy bay chiến đấu Sukhoi do Nga thiết kế, cánh quạt cho máy bay vận tải Antonov do Ukraine sản xuất.
Ông Pande cho biết trong vòng 3 năm tới, lực lượng không quân Ấn Độ nhắm đến việc cung cấp tất cả lốp và pin cho các phi đội máy bay quan trọng từ các công ty nội địa, như Công ty lốp xe hàng đầu thế giới và lớn nhất Ấn Độ MRF. Quan chức chính phủ cấp cao giấu tên tiết lộ rằng Ấn Độ đang đặt mục tiêu sản xuất tới một nửa số thiết bị quốc phòng trong nước.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ chưa trả lời yêu cầu bình luận về việc New Delhi phụ thuộc như thế nào về khí tài quân sự từ Moskva.
Song ông Brahma Chellaney, nhà phân tích các vấn đề quốc phòng và chiến lược ở New Delhi, cho biết các thiết bị của Nga đã phục vụ tốt cho Ấn Độ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, nước này đã tăng cường nhập khẩu thiết bị từ các nước như Mỹ, Pháp và Israel.
“Chuyển đổi nguồn cung quốc phòng luôn là quá trình diễn ra chậm chạp. Chúng ta không thể chuyển đổi nhà cung cấp trong một sớm một chiều”, ông nói.
Lực lượng vũ trang Ấn Độ đang có khoảng 1,38 triệu quân. Theo cơ sở dữ liệu chuyển giao vũ khí của SIPRI, nước này là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Ấn Độ chi tới 12,4 tỷ USD từ năm 2018 đến năm 2021 để nhập vũ khí, trong đó tiền mua vũ khí Nga chiếm 5,51 tỷ USD.
Lục quân Ấn Độ được trang bị xe tăng và súng trường Kalashnikov do Nga sản xuất. Lực lượng không quân của nước này sử dụng máy bay chiến đấu Sukhoi và trực thăng vận tải Mi-17 của Moskva. Trong khi đó, tàu sân bay INS Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ trước đây là một phần của hạm đội Hải quân Nga.
Trong những tháng gần đây, một số đối tác phương Tây của Ấn Độ - bao gồm Anh và Mỹ - đã phát tín hiệu sẵn sàng tăng cường các dịch vụ quốc phòng cho New Delhi.
Một quan chức chính phủ khác cho biết quân đội Ấn Độ đang thực hiện cách tiếp cận 3 mũi nhọn để duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Trong khi đó, Chính phủ đang tìm kiếm các quốc gia Đông Âu sử dụng vũ khí, nền tảng tương tự như quân đội Ấn Độ để có thể cung cấp phụ tùng và đạn dược cho nước này. Quan chức giấu tên cho biết: “Trong trường hợp các chuỗi cung ứng từ Nga trở nên căng thẳng, chúng tôi sẽ có các lựa chọn thay thế”.
Nhà chức trách Ấn Độ cũng đang thúc giục các đối tác của Nga triển khai một số dự án quan trọng đã thỏa thuận. Dự án này bao gồm cung cấp hệ thống tên lửa S-400 và thỏa thuận sản xuất hơn 600.000 khẩu súng trường tấn công Kalashnikov AK-203 tại một nhà máy mới ở miền bắc nước này.
Tại PLR Systems - liên doanh của Tập đoàn Adani Group và Israel Weapon Industries, công ty sản xuất vũ khí cỡ nhỏ ở Ấn Độ, nhu cầu về súng trường tấn công đã tăng lên kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra. PLR Systems cung cấp súng trường tấn công Galil ACE do Israel thiết kế có thể thay thế vũ khí Kalashnikov của Nga.
Nguồn tin giấu tên cho biết: “Nhu cầu về súng trường từ các bang và cả lực lượng cảnh sát vũ trang đang gia tăng. Hiện giờ, không lực lượng nào có thể mua vũ khí này từ bên ngoài”.