Ấn Độ có thể chế tạo tên lửa mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn lên tới 10.000km, đối chọi với tên lửa Đông Phong 31A (DF-31A) của Trung Quốc có khả năng tấn công mục tiêu cách xa 11.200km, tờ Quốc phòng Ấn Độ ngày 13/1 cho biết.Tên lửa Agni-V của Ấn Độ. Ảnh: I.D |
Avinash Chander, người đứng đầu Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO), cho biết với sự tự tin sau khi thử nghiệm thành công lần thứ 2 tên lửa Agni-V có tầm bắn 5.000km, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên, Ấn Độ khẳng định chỉ mất khoảng 2 năm rưỡi để chế tạo một quả tên lửa có tầm bắn 10.000km.
"Tầm bắn không còn là vấn đề. Chúng tôi có đủ khả năng thực hiện bất kỳ tầm bắn nào, chỉ cần bổ sung nhiên liệu và chế tạo động cơ lớn hơn. Nhưng hiện tại chúng tôi vẫn chưa thấy cần thiết phải nâng tầm bắn xa hơn”, ông Chander nói.
Ông Chander cho biết thêm tên lửa Agni -V của Ấn Độ có thể tấn công các mục tiêu trên khắp các châu lục Á, Âu, Phi hay Australia.
Trong thời gian tới, Agni -V cũng sẽ được thử nghiệm với một bệ phóng nhỏ hơn để tăng khả năng cơ động và sẽ được giới thiệu sau khi thử nghiệm thêm 2 lần nữa.
Hiện DRDO đang tích cực làm việc để cải tiến đầu đạn hạt nhân cũng như các thiết bị tình báo đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của đối phương.
Mặc dù quân đội Ấn Độ đã được trang bị các tên lửa Agni -I ( tầm bắn 700 km), Agni -II (2.000 km) và Agni - III (3.000 km); đang trang bị Agni - IV (3.500 km) và Agni -V trong giai đoạn từ nay đến năm 2016, nhưng lực lượng này vẫn thiếu loại tên lửa đạn đạo tầm xa phóng từ tàu ngầm. Do đó, khả năng răn đe hạt nhân của nước này vẫn hạn chế so với Trung Quốc.
CT (Theo I.D)