Vợ chồng U90 ngày ngày nấu cơm chay, phát miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Từ 4 giờ sáng, trong căn bếp nhỏ, hai mái đầu bạc lặng lẽ bên nhau. Hai tấm lưng còng miệt mài với công việc quen thuộc: Cụ bà lo nấu nướng còn cụ ông vì tuổi cao, sức yếu nên phụ trách việc nhẹ hơn là cho cơm vào từng hộp xốp. Mỗi ngày, từ thứ Hai đến thứ Bảy, hai ông bà chuẩn bị khoảng 250 suất cơm chay đầy đủ món, trao tận tay những người cần giúp đỡ.
Cụ Trần Văn Hồng đang cho cơm vào hộp xốp.
Bà Nguyễn Thị My chia sẻ rằng, mỗi ngày bà thường thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị. “Bà thì lo xào nấu ở bếp, còn ông phụ bà bới cơm cho vào hộp xốp. Khi nấu xong thì bà chia các phần thức ăn vào hộp cơm. Đến khoảng 8 giờ sáng là người ta tới lấy sạch hết rồi”, bà kể.
Bà thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị nguyên liệu nấu thức ăn chay.
Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu, khoảng 4 giờ sáng, bà bắt đầu nấu ăn.
Tuổi đã cao, sức khỏe của bà không còn như trước nên việc bưng bê các nồi thức ăn lớn đôi khi khiến bà đau lưng đến mức đứng không nổi. “Nấu cơm từ thiện thì cũng phải làm nhiều thứ nặng nhọc, có hôm bưng nặng quá, đau đến không thẳng người được. Bây giờ mỗi lần nấu xong, nếu may thì có mấy người đi tập thể dục ngang qua, bà nhờ họ phụ khiêng ra phía trước. Còn không có ai thì bà chia nhỏ ra, bưng từng chút một vậy”, bà mỉm cười chia sẻ.
Dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút, cụ bà vẫn cần mẫn, cẩn thận chia nhỏ các phần thức ăn và tự tay bưng ra ngoài.
Cụ bà cẩn thận cho từng phần thức ăn vào hộp, chuẩn bị phát cơm miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Nguyễn Thị My vốn là người Cần Thơ. Trong một lần lên TP Hồ Chí Minh chữa bệnh, bà may mắn nhận được sự giúp đỡ của những người xa lạ. Lòng tốt ấy khiến ông bà thương mến cả mảnh đất nhộn nhịp này và quyết định ở lại.
Từ đó, hai cụ mưu sinh bằng nghề bán bánh xèo, bánh khọt, xong chuyển sang bán cơm chay. Đúng thời điểm xuất hiện đại dịch COVID-19, bà đã có ý định nấu hết phần lương thực sẵn có của mình để giúp đỡ bà con rồi về quê sinh sống.
“Lúc đại dịch COVID-19 bùng phát, tôi bàn với chồng: "Thôi, mình lấy hết đồ đạc mình có đem cho hết người ta rồi mình về quê. Ổng cũng gật đầu đồng ý. Bà chủ nhà thì lo, khuyên tôi nên để dành tiền phòng khi tuổi già bệnh tật, còn có cái vô bệnh viện. Tôi nghe vậy mới nói: Thôi, tôi khỏe, tôi không vô bệnh viện đâu. Tôi cho người ta hết rồi tôi về. Tôi không để dành gì cho mình nữa”, bà My kể lại.
Nhiều người đến nhận cơm chay.
Có lần bà bảo chồng rút hết 80 triệu đồng tiền dành dụm dưỡng già để nấu cơm tặng cho người nghèo đến khi nào hết tiền thì nghỉ. Hai cụ tâm niệm, khi nào hết làm nổi thì sẽ vào viện dưỡng lão. Nhưng ngay khi sắp nghỉ thì có người đến góp gạo, hạt nêm, rau củ, nước tương, hộp xốp, túi đựng, có người đến góp sức… Ai cũng động viên hai cụ tiếp tục công việc tốt đẹp này.
Nhiều người lao động khó khăn có mặt từ sớm để nhận những suất cơm chay nghĩa tình.
Bà Phan Thị Kim Hương (74 tuổi) kể: "Cứ đến Mùng 1 hay Rằm là tôi ghé lại đây xin cơm chay về ăn. Tôi sống một mình, không có lương hưu cũng không nấu nướng gì cả. Những chỗ phát cơm miễn phí như vầy đỡ cho tôi lắm. Tôi rất cảm ơn mọi người đã thức đêm, thức hôm nấu những phần ăn này. Tôi thật sự rất biết ơn".
Bà Phan Thị Kim Hương vui vẻ ra về khi nhận được suất cơm miễn phí.
Còn cô Nguyễn Thị Hoàng, người thường xuyên đến nhận cơm tại đây, cho biết: “Tôi không lấy cơm về cho mình ăn mà để mang đi phát cho những người có hoàn cảnh khó khăn, không thể tự đến lấy được. Tôi thường mang đến cho các ông bà già không đi lại được ở đường Trương Quang Định, chợ nhỏ Bình Hòa... Tôi chỉ phát cố định cho những người tôi quen, như hai vợ chồng bị tai biến hay chú bảo vệ không thể đi xin cơm được”.
Cô Nguyễn Thị Hoàng đến nhận những suất cơm để đi phát lại cho những người không thể đến lấy.
Hai vợ chồng với tâm nguyện làm khi nào hết làm nổi nữa thì mới nghỉ.
Từ lòng nhân ái thiện tâm của hai cụ nhiều nhà hảo tâm và tình nguyện viên đã đồng hành, hỗ trợ hai cụ tiếp tục duy trì để bếp ăn không bị tắt lửa.
Ông Phan Sửu, một tình nguyện viên sống tại quận Bình Thạnh, chia sẻ: “Hồi trước, khi tôi tình cờ đi ngang qua đây, thấy ông bà phát cơm từ thiện cho bà con nghèo, tôi xúc động lắm. Thế là tôi ngỏ ý muốn góp một tay phụ giúp. Tôi nghĩ, giúp được ngày nào hay ngày đó. Mình không có tiền bạc thì góp sức lao động cũng được. Ông bà tuy lớn tuổi nhưng vẫn rất nhiệt tình, tận tụy nấu cơm mỗi ngày để giúp người không có cái ăn, nhìn mà thương lắm”.
Ông Phan Sửu, một tình nguyện viên, thường xuyên đến đây phụ giúp hai cụ chuẩn bị những suất ăn cho những người khó khăn.
Bà My tâm sự, ai tiếp được mình thì tiếp, không tiếp được thì bà vẫn còn ít vàng dành dụm để dưỡng già. Khi bà lấy số vàng để dưỡng già lo cho bếp cơm, con dâu bà hỏi "Mẹ lấy hoài rồi lấy gì để dưỡng già". Bà chỉ cười và nói: "Già thì mẹ vô viện dưỡng lão ở, không để đứa nào phải nuôi đâu”, bà cười tươi kể.
Cho đến bây giờ, chính tình thương, sự đoàn kết và tấm lòng sẻ chia của mọi người đã giúp bếp cơm duy trì và đỏ lửa. Mọi người vẫn nhắc mãi, vẫn cảm ơn hai cụ - người đã âm thầm giữ lửa yêu thương suốt những năm qua.
Tuổi đã cao, lưng đã còng, việc đi lại cũng không còn dễ dàng, thế nhưng vợ chồng cụ ông Trần Văn Hồng và cụ bà Nguyễn Thị My vẫn ngày ngày tỉ mỉ làm từng việc nhỏ từ vo gạo, lặt rau, nấu nướng… để chuẩn bị những suất cơm chay nghĩa tình cho người lao động nghèo.
Họ cứ lặng lẽ cho đi như thế, suốt nhiều năm qua. Và rồi, như một phép màu nhỏ của lòng thiện lương, vài ngày gần đây, cụ bà từ người từng lưng còng đến mức đứng không thẳng nhưng nay lại có thể đứng dậy, đi lại dễ dàng hơn.
Cụ bà chia sẻ, bây giờ bà có thể đứng thẳng lưng như một phép màu.
Rồi bà hào hứng: “Cái bệnh của bà có sẵn rồi, bác sĩ ở Chợ Rẫy từng bảo nếu mổ thì cũng không bảo đảm, vì nó chạm vào dây thần kinh đốt sống. Ông nhà bà nghe vậy thì can không cho mổ. Rồi bà cứ làm từ thiện, dù là một việc nhỏ, từ một trái dừa hay một chai nước cũng là công đức. Đến nay, bà mới thấy cái lưng mình thẳng lên, thấy rõ ràng luôn. Đây, bà đứng cho con xem, chứ ngày xưa lưng bà còng lắm đó”...