Vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội - Bài 2: 'Ì ạch' xử lý, trách nhiệm thuộc về ai?

Những lý do được nhiều cấp, ngành, địa phương của Hà Nội đưa ra để lý giải cho tình trạng chậm trễ trong xử lý dứt điểm các sai phạm về trật tự xây dựng đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Có thể điểm lại hàng chục đầu lý do như: Khung pháp lý chưa hoàn thiện; chưa có chế tài hoặc chế tài chưa hoàn thiện; hồ sơ, nguồn gốc đất phức tạp qua nhiều giai đoạn của khung chính sách pháp luật; việc xử lý đúng luật lại có thể dẫn đến phát sinh vấn đề xã hội phức tạp… Thậm chí có cả những nguyên nhân do những hành vi hành chính không phù hợp, vận dụng sai quy định pháp luật hoặc vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức được giao quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, quy hoạch…

Gian nan xử lý vi phạm

Tại Văn bản số 239/UBND - ĐT ngày 17/1/2019, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu trong tháng 3/2019 các địa phương phải xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ năm 2015 - 2016, nhưng vì nhiều vướng mắc, đến nay mới xử lý xong 3/43 trường hợp.

Chú thích ảnh
Tòa nhà 8B Lê Trực. Ảnh (chụp năm 2015): Tuấn Anh/TTXVN

Điển hình tại tòa nhà 8B Lê Trực, từ tháng 10/2016, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng Hà Nội đã hoàn thành "cắt ngọn" phần sai phạm giai đoạn 1 (phá dỡ tầng 19 và tum). Song, đã 4 năm trôi qua, việc xử lý vi phạm giai đoạn 2 cũng rất khó khăn do tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu toà nhà.

Các đơn vị liên quan và bên tư vấn vẫn đang thận trọng đánh giá phương án phá dỡ với yêu cầu đặt ra phải đảm bảo kỹ thuật và an toàn tuyệt đối với công trình, không thể để ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của cư dân sinh sống sau này.

Dư luận và cử tri đặt nhiều câu hỏi khi Hà Nội loay hoay và "ngâm" quá lâu tiến độ xử lý giai đoạn 2. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không đảm bảo an toàn khi tiếp tục phá dỡ, Hà Nội cần công bố kết luận cụ thể của đơn vị chuyên môn và các chuyên gia.

Tiếp đó, nếu phê duyệt được phương án rồi thì đơn vị nào sẽ đứng ra thực hiện việc phá dỡ, bởi hiện nay có hiện tượng "đùn đẩy" trách nhiệm giữa chính quyền và chủ đầu tư, trong khi đó, UBND quận Ba Đình là nơi ra quyết định cưỡng chế xử lý vi phạm của công trình này? Điều này càng khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân mua nhà gặp khó khăn.

Họ trở thành nạn nhân của dự án sai phạm, thậm chí, nhiều gia đình cạn kiệt tiền thuê nhà phải sống nhờ người thân và cũng có cặp vợ chồng "tan vỡ" vì nợ nần. Do vậy, quyền lợi của người mua nhà cũng cần được các cấp, các ngành tính đến trong quá trình xử lý sai phạm...

Có thể thấy, việc xử lý các dự án, công trình vi phạm thuộc hàng “khủng” đã khó, với các công trình nhỏ lẻ hoặc nhà riêng của người dân cũng không hề đơn giản. Ông Vũ Tuấn Trung, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, toàn bộ 8 trường hợp tồn đọng trên địa bàn đều là nhà ở tư nhân, đã đưa vào sử dụng ổn định nên việc xử lý sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Đơn cử, các công trình vi phạm: 91 phố Hàng Đào, nhà 3 - 3A - 3B - 3C - nhà A số 8 Lý Nam Đế, trong quá trình tổ chức cưỡng chế, các hộ dân có đơn khiếu kiện đề nghị làm rõ lối đi cầu thang, lối đi chung hay việc phá dỡ gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình liền kề...

Tương tự, công trình ở ngõ 1, phố Kiều Mai (quận Bắc Từ Liêm), UBND phường Phúc Diễn đã ra thông báo cưỡng chế phần vi phạm do không bảo đảm an toàn lưới điện, nhưng 8 tháng nay, hạng mục này vẫn nguyên hiện trạng do chủ đất cố tình khiếu kiện. Còn tại công trình 174 - 176 Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân), việc khắc phục hậu quả cũng khó khăn do chủ đầu tư chuyển nhượng cho người khác...

Đi tìm gốc, rễ của vấn đề   

Vi phạm tràn lan, kéo dài nhưng các cấp chính quyền và đơn vị chức năng lại cho rằng, do chủ đầu tư cố tình tránh né, chây ì dẫn đến kết quả thực hiện các chỉ đạo xử lý của thành phố còn chậm, chưa triệt để.

Khó khăn hơn nữa là các vi phạm xảy ra ở những dự án khu đô thị, khu nhà ở đã được bán, bàn giao cho người dân vào ở, tập trung đông dân cư nên quá trình xử lý cần xem xét đến việc ổn định an ninh trật tự và cuộc sống của người dân. Nhiều vụ việc có tình tiết phức tạp, cần điều tra xem xét trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan.

Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị định 139/2017/NĐ - CP của Chính phủ cũng bộc lộ những hạn chế như: Một số hành vi vi phạm có mức phạt cao không phù hợp thực tiễn quản lý; thời hạn ngừng thi công 60 ngày đối với công trình không phép, sai phép chưa đáp ứng được với các dự án đầu tư; các trường hợp xây trên đất công, đất nông nghiệp không có căn cứ để xử lý theo lĩnh vực trật tự xây dựng…

Lý giải là vậy nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia cũng như lãnh đạo một số quận, huyện, tình trạng chậm trễ phát hiện và xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội ngoài nguyên nhân chủ quan và khách quan thì một yếu tố nổi cộm là sự thiếu quyết liệt của một số cấp chính quyền cơ sở. Không ít nơi, các cấp lãnh đạo cấp ủy và chính quyền chưa nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của cấp ủy, dẫn tới thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thậm chí còn buông lỏng quản lý.
 
Trong khi đó, hệ thống thanh tra xây dựng, chính quyền các phường chưa đề cao trách nhiệm, thiếu sự giám sát, kiểm tra và chưa kiên quyết, chủ động xử lý triệt để các vi phạm. Tình trạng xử phạt nhiều lần nhưng vẫn để tồn tại, không có biện pháp khắc phục hậu quả vẫn diễn ra, dẫn đến chủ đầu tư coi thường kỷ cương, pháp luật, cố tình vi phạm.

Đề cập đến những vi phạm tồn tại trên địa bàn quận, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu thẳng thắn nhận lỗi do cán bộ chủ quan, buông lỏng kiểm tra, giám sát; cán bộ phường lúng túng trong xử lý nên tình trạng vi phạm kéo dài.

Cam kết xử lý dứt điểm hàng loạt công trình xây dựng trên đất nông nghiệp và xây sai phép tại 225 - 174 - 176 Nguyễn Xiển... tồn đọng từ năm 2014, Bí thư Quận ủy quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cũng chỉ rõ trách nhiệm do chính quyền phường phát hiện chậm, không báo cáo lên quận; cán bộ giám sát lỏng lẻo và thiếu sót ở khâu quản lý nên xử lý không kịp thời, kéo dài...    

Từ những giải trình của các cấp chính quyền và sở, ngành chức năng, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trong thời gian qua.
 
“Cho dù các đội này qua nhiều lần thay đổi mô hình hoạt động nhưng luôn có nhiệm vụ quan trọng nhất là kiểm tra, lập biên bản, lập kế hoạch và báo cáo UBND các cấp xử lý vi phạm. Nhưng trên thực tế vẫn tồn tại 80 công trình vi phạm cũ và cả năm 2018 vẫn không “nhúc nhích”.

Rõ ràng, trách nhiệm trước hết thuộc về lực lượng đó, cần khắc phục ngay. Nếu các đội cứ làm đủ 7 nhiệm vụ của mình thì chắc chắn không thể phát sinh vi phạm mới”, bà Ngọc khẳng định.

Bà Ngọc còn dẫn chứng, một hộ dân xây nhà chỉ đẩy một xe cát nhỏ, cán bộ quản lý trật tự xây dựng biết ngay. Vậy tại sao có những nhà xây rất to lớn mà lại không biết? Điều đó cho thấy, đội ngũ thanh tra chưa thực thi hết trách nhiệm mà chỉ lập biên bản báo cáo rồi để đó.

Trong khi đó, việc phối hợp giữa các ngành với địa phương còn lỏng lẻo, chưa rõ ràng, vẫn còn tình trạng mỗi nơi trả lời một kiểu và đổ trách nhiệm lẫn nhau; ý thức chấp hành của một bộ phận người dân cũng chưa cao.

Công trình xây trái, cán bộ sai

Chú thích ảnh
Công trình cao 7 tầng và 1 tum tại 174 - 176 Nguyễn Xiển (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) phát hiện xây sai phép tầng tum từ năm 2014 nhưng giữa năm 2019 mới xử lý xong vi phạm. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Xác định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng kéo dài là do việc phát hiện vi phạm không kịp thời, thậm chí có biểu hiện bao che làm ngơ của không ít cán bộ cơ sở, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Trách nhiệm này thuộc về chính quyền các cấp, UBND thành phố và cả Chủ tịch UBND thành phố”.

Theo ông Chung, đến nay, toàn thành phố đã có 98 cán bộ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã, phường bị kỷ luật và cách chức, nhiều cán bộ thanh tra bị xử lý vì để xảy ra vi phạm. Chỉ tính riêng năm 2018, Sở Xây dựng Hà Nội xử lý kỷ luật 28 công chức Thanh tra xây dựng, UBND thành phố kỷ luật 41 cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có 20 Chủ tịch, 11 Phó Chủ tịch bị xử lý từ khiển trách đến cách chức). Thậm chí, trường hợp có dấu hiệu tội phạm làm giả giấy tờ, hợp pháp hóa những sai phạm đã chuyển Công an thành phố xử lý nghiêm.

Trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp và đất công ích, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng kiến nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của một số Chủ tịch UBND cấp huyện, xã; tạm dừng điều hành với 7 Chủ tịch xã; 61 công chức địa chính. “Với các  vi phạm sau 1/1/2014, Sở tiếp tục xử lý nghiêm, dứt điểm chứ không thể “chạy theo” vi phạm”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết.

Có thể thấy rằng, bên cạnh hàng loạt những nguyên nhân khách quan còn có không ít trường hợp đến từ lỗi chủ quan, cố ý của cán bộ có thẩm quyền. Cùng với đó là quy trình, quy định, thủ tục, trình tự xử lý vi phạm còn nhiều điểm bất cập, chưa hợp lý, chưa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đối với cả đối tượng vi phạm và cán bộ thực thi pháp luật. Do đó, một yêu cầu hoàn thiện thể chế là đòi hỏi tất yếu nhằm khắc phục cơ bản những tồn tại đang đặt ra. Đó cũng là nội dung trong bài viết tiếp theo của chùm bài này.

Bài cuối: Luật hóa để xử lý dứt điểm

Minh Nghĩa - Nguyễn Hoàng (TTXVN)
Vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội - Bài 1: Chuyện biết rồi, nói mãi
Vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội - Bài 1: Chuyện biết rồi, nói mãi

Bất cập trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn Hà Nội tồn tại như một vấn nạn xã hội và luôn là một “cái kim trong bọc” gây nhức nhối trong dư luận, làm “đau đầu” các cấp chính quyền và có những vụ việc mà độ phức tạp của nó phải đến bộ, ngành, Chính phủ chỉ đạo, giải quyết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN