Bài 1: Muôn vàn lý do để rút sớm
Theo người lao động, sở dĩ rút BHXH một lần là do rơi vào hoàn cảnh khó khăn và coi đây là khoản tiền để bám víu trong giai đoạn khó khăn sau đại dịch.
Xếp hàng dài nộp hồ sơ
Thời gian gần đây, khá đông người lao động đã nộp hồ sơ xin rút tiền BHXH một lần tại cơ quan BHXH các quận, huyện như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Tân, Quận 12, thành phố Thủ Đức...
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức tại cơ quan BHXH thành phố Thủ Đức, từ sớm, đã có nhiều người dân xếp hàng dài chờ lấy số thứ tự làm thủ tục rút BHXH một lần.
Chị L.T.K.A. (ngụ ở thành phố Thủ Đức) có mặt ở cơ quan BHXH thành phố Thủ Đức từ lúc 6 giờ sáng, nhưng số thứ tự đã đến số 63. Đến gần 10 giờ 30 phút, vẫn chưa tới lượt chị làm thủ tục rút BHXH một lần.
Chị K.A. cho biết, chị làm công nhân tại Công ty Dệt Việt Thắng (TP Thủ Đức) từ tháng 2/2007, đến tháng 3/2020 chị nghỉ thai sản và chuyển về Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện mức lương chị đóng BHXH tháng cuối cùng là 5.711.000 đồng. “Do không có ai chăm sóc con, nên sau khi hết thời gian thai sản, tôi quyết định nghỉ hẳn ở nhà để lo cho con, mọi việc có ông xã lo. Vì vậy, tôi quyết định rút BHXH một lần, đến đâu tính đến đó. Sau này nếu đi làm lại thì tôi lại đóng lại từ đầu”, K.A. nói.
Chị P.T.H.H. (ngụ ở Bình Dương) đã chạy xe máy hơn 50km từ Bến Cát (tỉnh Bình Dương) lên BHXH thành phố Thủ Đức để hoàn thiện hồ sơ rút BHXH một lần. Do nhà xa, nên chị H.H. đã đến nơi lúc 9 giờ và được thông báo hết số thứ tự. Chị được cán bộ dặn 6 giờ sáng hôm sau quay lại lấy số.
Chị P.T.H.H. cho biết, chị công tác tại Bệnh viện quận Thủ Đức và đóng BHXH được 12 năm 2 tháng. Tuy nhiên, do vỡ kế hoạch sinh bé thứ ba, cộng với dịch COVID-19, nên chị quyết định nghỉ việc từ đầu năm 2021. “Thu nhập của tôi khi ấy khoảng 7 triệu đồng/tháng, chồng tôi được gần 10 triệu đồng/tháng, trong khi đó phải ở nhà thuê, ba đứa con còn nhỏ (đứa lớn mới học lớp 5), tiền thuê nhà, tiền sữa, tiền ăn… rồi tiền học của cả ba đứa tốn kém lắm, không thể trang trải nổi. Chính vì thế, cả hai vợ chồng tôi đành quyết định nghỉ việc, nhận BHXH một lần để lấy vốn mở nhà thuốc, vừa có thời gian lo cho ba đứa nhỏ, vừa có thể trang trải cuộc sống”, chị H. giãi bày.
Khi chúng tôi hỏi: "Chị có nghĩ đến việc ngừng tham gia BHXH, sau này về già không có lương hưu không?", chị P.T.H.H. nói: “Tôi cũng từng có ý định sẽ đóng tiếp BHXH, nhưng thực sự tôi không biết đóng tiếp ở đâu vì đã nghỉ việc và tôi cũng không biết mức đóng như thế nào, không có ai tư vấn cho tôi cả”.
Đang đợi chồng photo giấy tờ trước cổng BHXH thành phố Thủ Đức, chị H.T.K.Ng. (26 tuổi) vừa bồng con trên tay vừa đưa cho tôi xem giấy tờ liên quan đến BHXH của chị. Theo chị Ng., chị và chồng cùng làm tại Công ty Phong Phú (chị là công nhân sợi, còn anh là thợ điện có tay nghề) nhưng do mới sinh con, không có người chăm, nên chị quyết định nghỉ việc, còn chồng thì muốn ra ngoài làm riêng để có thời gian nhiều hơn cho gia đình; vì vậy cả hai đều xin nghỉ việc sau khi sinh con đầu lòng. Hai vợ chồng hôm nay đến làm thủ tục rút BHXH một lần để có một khoản tiền làm ăn.
“Tôi mới đi làm được một năm, với lương cơ bản thấp nên rút BHXH một lần chỉ được khoảng 21 triệu đồng. Chồng tôi đóng bảo hiểm ở mức lương 8,6 triệu đồng/tháng, nên khi nghỉ rút BHXH cũng được hơn 90 triệu đồng. Sở dĩ chúng tôi phải rút BHXH một lần là để có thêm một khoản tiền mở tiệm cơ điện tại nhà. Hiện nay chúng tôi không có ai trông con nên tôi chỉ còn cách làm việc tại nhà để có thể chăm sóc con cái tốt hơn. Mặc dù biết là sẽ có nhiều bất lợi về già nếu rút BHXH một lần nhưng chúng tôi còn trẻ, sau này chúng tôi còn nhiều cơ hội để đóng, khi đó chúng tôi sẽ tính. Còn bây giờ chúng tôi vẫn phải lo cho cuộc sống hiện tại”, chị K.Ng. nói.
Không chỉ tại cơ quan BHXH thành phố Thủ Đức, lượng người đến làm thủ tục rút BHXH một lần tại cơ quan BHXH quận Bình Tân cũng khá đông. Đang cầm xấp hồ sơ chờ làm thủ tục tại BHXH quận Bình Tân, chị Hà Kim Thủy (50 tuổi, quê Vĩnh Long) nói: “Tôi có hơn 15 năm làm công nhân. Dịch bệnh khiến công việc bấp bênh, tôi theo chồng về quê, nhưng ở quê cũng khó khăn, vay mượn nhiều nơi để trang trải cuộc sống vẫn không đủ chi tiêu. Hiện nay, kinh tế gia đình do một mình chồng tôi gồng gánh, vì vậy tôi muốn rút BHXH một lần để trang trải bớt nợ nần, còn chút ít sẽ làm vốn buôn bán nhỏ tại nhà. Cuộc sống khó khăn, mình lại lớn tuổi nên có đồng nào đỡ đồng nấy chứ không thể tính xa hơn nữa”.
Thiệt đơn, thiệt kép
Theo đại diện BHXH TP Hồ Chí Minh, chỉ trong những tháng đầu năm 2022, toàn Thành phố đã có khoảng 37.000 người lao động làm thủ tục nhận BHXH một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt trong quý I/2022, số người đến làm thủ tục BHXH một lần tăng, chủ yếu tập trung ở 6 quận, huyện là Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Quận 12, Bình Tân và thành phố Thủ Đức. Nguyên nhân là do người lao động ở các tỉnh lân cận qua TP Hồ Chí Minh làm thủ tục BHXH. Bởi, theo quy định của BHXH Việt Nam, người lao động muốn làm thủ tục BHXH thì có thể đến bất cứ cơ quan BHXH nào trên cả nước. Do đó, sau mùa dịch bệnh COVID-19, số lượng người đến làm hồ sơ BHXH tại 6 quận, huyện trên đã tăng mạnh.
Theo tính toán của ngành BHXH TP Hồ Chí Minh, một người lao động có 20 năm đóng BHXH (từ năm 2001-2020) với mức tiền lương bình quân là 4 triệu đồng/tháng và đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH một lần trong năm 2022, nếu nhận BHXH một lần thì sẽ được 134 triệu đồng đối với cả lao động nam và nữ. Tuy nhiên, nếu để nhận lương hưu thì lao động nam (với tuổi thọ trung bình là 71 tuổi) sẽ nhận được tổng số tiền là hơn 257 triệu đồng, nhiều hơn hơn 123 triệu đồng so với nhận BHXH một lần. Còn đối với lao động nữ (với tuổi thọ trung bình là 76,3 tuổi) sẽ nhận được tổng số tiền là hơn 589 triệu đồng, nhiều hơn 455 triệu đồng so với nhận BHXH một lần.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết, việc nhận BHXH một lần khiến người lao động rất thiệt thòi vì số tiền nhận BHXH một lần ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH. Cụ thể, mức đóng BHXH trong 1 năm của người lao động bằng 2,64 tháng lương, nhưng khi nhận chỉ được số tiền tương ứng 1,5 tháng lương cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng lương cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Ngoài ra, thời gian đóng BHXH của người lao động đã được tính hưởng BHXH một lần thì không được tính vào thời gian làm cơ sở để tính hưởng các chế độ BHXH khác.
Bên cạnh đó, người lao động cũng mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động, hoặc nếu đủ điều kiện hưởng thì mức hưởng lương hưu thấp do bị trừ đi thời gian đóng BHXH đã nhận một lần (không được hoàn trả BHXH một lần đã nhận). Không có lương hưu hằng tháng thì khi về già, người lao động sẽ phải sống phụ thuộc vào con cái hoặc người thân khi không còn khả năng lao động. Người lao động cũng mất cơ hội tham gia BHYT 5 năm liên tục để được hưởng quyền lợi với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và thuốc đắt tiền...
“Vì lợi ích của mình, người lao động không nên nhận trợ cấp một lần mà nên tích lũy thời gian để hưởng chế độ hàng tháng. Đối với các doanh nghiệp, nên tạo điều kiện để người lao động có việc làm, có thu nhập; nhà nước và các tổ chức tín dụng, ngân hàng tham mưu Chính phủ có quỹ nhằm tạo điều kiện cho người lao động vay vốn ưu đãi, không lãi suất, có kế sinh nhai…”, ông Phan Văn Mến khuyến cáo.
Trước thông tin cho rằng, nguy cơ vỡ quỹ BHXH do số lượng người rút gia tăng, ông Phan Văn Mến khẳng định: "Quỹ BHXH không có rủi ro, không bao giờ vỡ quỹ do kết dư của quỹ rất lớn nên người lao động cứ yên tâm. Sắp tới, dự kiến Luật BHXH sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm. Việc sửa đổi chính sách BHXH sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của BHXH (trong đó có BHXH tự nguyện) giúp người lao động có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người lao động.
Bài cuối: Cần sớm thay đổi chính sách