Nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng
Ngày nay, nếu không tìm hiểu, sẽ ít người biết về căn biệt thự số 6-8 Nguyễn Thị Huỳnh (Phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) là di tích gắn liền với Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất).
Căn biệt thự này được xây dựng khoảng 60 năm trước. Trước giải phóng, căn biệt thự có địa chỉ 33/5 Lăng Phú Thành, sau đổi thành số 6-8 đường Tự Đức và hiện nay là 6-8 đường Nguyễn Thị Huỳnh. Đây là nơi được chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai (còn được gọi là Mai Hồng Quế, bí danh Năm USOM) và vợ cả là bà Phạm Thị Chinh (còn gọi là Phạm Thị Phan Chính) mua lại để phục vụ hoạt động cách mạng.
Ông Trần Vũ Bình cho biết: "Với danh nghĩa nhà thầu khoán Dinh Độc Lập, cha tôi - ông Mai Hồng Quế, có hoạt động kinh doanh bề ngoài là làm xưởng sản xuất tranh kiệt, bàn ghế, nệm, các đồ trang trí nội thất… nhưng bên trong chính là cơ sở hoạt động bí mật của Biệt động Sài Gòn. Căn biệt thự này cũng chính là nơi hội họp, nuôi giấu cán bộ công tác tại nội thành Sài Gòn. Cha tôi khi đó là nhà thầu chính, được quyền ra vào Phủ Tổng thống và quen biết nhiều với chức sắc Việt Nam Cộng hòa. Ông cũng là cán bộ Tiểu đoàn, C trưởng Biệt động, đơn vị Biệt động 159, Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Năm 1964, cha tôi cùng vợ cả là bà Phạm Thị Chinh đã đứng ra bảo lãnh cho hai đồng đội là Phan Trọng Bình và Phạm Quốc Sắc, là 2 trong số 6 tử tù chính trị bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo thoát khỏi án tử".
Đến năm 1965, Quân khu chỉ thị ông Trần Văn Lai bán 2 căn biệt thự trên cùng một số tài sản khác để chuẩn bị tiền cho cán bộ rút ra khi cần thiết, bảo đảm phục vụ chiến đấu tại nội thành. Từ đó, 2 căn biệt thự 6-8 Nguyễn Thị Huỳnh đã được chuyển qua nhiều đời chủ.
Quyết tâm phục dựng lại căn nhà
Ông Trần Vũ Bình cho biết, sau khi phục dựng được các cơ sở hoạt động bí mật của cha và đồng đội thành công như: căn hầm chứa vũ khí bí mật, quán cơm Đại Hàn... địa chỉ mà ông rất muốn được phục dựng lại hiện nay là căn biệt thự số 6-8 Nguyễn Thị Huỳnh. "Tôi luôn có một ước nguyện tìm lại căn biệt thự này vì nó gắn với một giai đoạn hào hùng của dân tộc và cũng gắn với tình vợ chồng ngắn ngủi của cha và má đầu Phạm Thị Chinh của tôi", ông Trần Vũ Bình cho biết.
Theo ông Trần Vũ Bình, phải đến năm 1998, ông Bình mới tìm lại được 2 căn biệt thự và nung nấu quyết tâm sẽ mua lại để phục dựng. Tuy nhiên, năm 2020, do không biết đây là căn nhà gắn với di tích lịch sử nên chủ nhà cũ đã đập bỏ, toàn bộ đồ đạc trong nhà đã bị mang đi bán. “Tôi vội vã chạy tới căn biệt thự hy vọng còn giữ lại được những kỷ vật của cha mình nhưng tôi đã chết lặng trước cảnh ngôi nhà đã bị phá tan hoang”, ông Trần Vũ Bình cho biết.
Chứng kiến cảnh căn biệt thự tan hoang và những món đồ cổ của cha và đồng đội đã bị mang đi bán, ông Trần Vũ Bình đã bị suy sụp. Ông đi lang thang, mất ngủ hàng tuần. Tuy nhiên, sau khi được người thân, bạn bè động viên, ông Trần Vũ Bình đã bình tĩnh và bắt đầu đi tìm người chủ mới để bắt tay vào việc thương lượng, mua lại căn biệt thự để phục dựng lại.
Ông Trần Vũ Bình cho biết: "Tôi đã tìm được số điện thoại của người chủ mới, nhưng họ lại ở nước ngoài. Khi nghe câu chuyện cảm động về lịch sử căn biệt thự và mục đích của tôi, người chủ mới này đã bay về Việt Nam để thảo luận việc chuyển nhượng. Dù cuộc thảo luận diễn ra tốt đẹp, chủ mới đồng ý chuyển nhượng, nhưng số tiền mua lại căn nhà quá lớn. Vì vậy, tôi đã đã phải cầm cố nhà cửa, tài sản mới đủ mua lại căn biệt thự đó".
Vậy là từ khi tìm được căn nhà, từ năm 1998 đến năm 2020 là đã 22 năm, ông Bình và gia đình mới mua được căn biệt thự của chính cha mình. Hiện nay, ngoài thời gian làm việc, bất kể ngày đêm, ông Trần Vũ Bình cùng những cộng sự của mình lùng sục mọi ngóc ngách, tìm mọi cách mua lại những vật dụng của căn nhà tại các khu vực bán đồ cũ.
Ông Trần Vũ Bình cho biết, mơ ước lớn nhất của ông là sẽ làm "sống dậy" căn nhà, cố gắng "vá" lại với những thiết kế, cửa sắt, vật dụng cũ để nó giống như ngày xưa nhất. "Dù biết sẽ rất khó khăn, song ý định của tôi và gia đình là “vá” lại căn nhà một cách trung thực nhất. Đó là lý do tôi gọi đó là căn biệt thự vá”.
"Tôi rất vui mừng vì không bao lâu nữa ngôi biệt thự số 6-8 Nguyễn Thị Huỳnh sẽ hoàn thành việc phục dựng và khánh thành để đi vào hoạt động phục vu du khách đến tham quan, tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử hào hùng của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn và của dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình, độc lập", ông Trần Vũ Bình cho biết.