Nỗ lực chiến thắng COVID-19 của F0 - Bài 1: Lạc quan, mạnh mẽ để chiến thắng dịch bệnh

Khi nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2, hầu như ai cũng thấy như "sụp đổ"; họ bắt đầu lo lắng, không kìm được cảm xúc. Thế nhưng khi vào các khu điều trị, đội ngũ y tế đã giúp họ bình tĩnh lại, lạc quan hơn và tuân theo chỉ dẫn của y, bác sĩ.

Nhờ vậy, nhiều trường hợp cá nhân hoặc cả gia đình là F0 tại TP Hồ Chí Minh đã "đánh bay" COVID-19. Nhiều F0 sau khi khỏi bệnh đã không chịu xuất viện mà tình nguyện ở lại để tham gia công tác chống dịch; tri ân đội ngũ y, bác sĩ đã ngày đêm căng mình chữa trị cho mình và cho mọi người.

Bài 1: Lạc quan, mạnh mẽ để chiến thắng dịch bệnh

Khi biết tin cả gia đình 4 người đều bị mắc COVID-19 nhưng không rõ nguyên nhân từ đâu, thay vì ngồi "than thân trách phận", cả gia đình anh Phạm Thái Bình (ngụ ở Quận 7, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hiện đang công tác tại Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh) đã cố giữ tinh thần lạc quan để cùng nhau vượt qua dịch bệnh một cách ngoạn mục.

Chú thích ảnh
Hai con gái của anh Phạm Thái Bình là nguồn động lực tinh thần rất lớn để anh cùng vợ vượt qua dịch bệnh COVID-19. Ảnh: NVCC

Hụt hẫng khi cả nhà bị mắc bệnh

Anh Phạm Thái Bình cho biết, sau khi tất cả mọi người trong gia đình có 3 lần xét nghiệm đều âm tính với virus SARS-CoV-2, anh mới thở phào nhẹ nhõm. Cả nhà đã rất vui và hạnh phúc khi đã cùng nhau chiến thắng được con virus quái ác.

"Cảm giác lúc đầu khi phát hiện cả nhà dương tính, tôi khá bất ngờ và cảm giác thoáng buồn xen lẫn hụt hẫng. Bởi vì bản thân mình đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 được 1 mũi và trong sinh hoạt hàng ngày hay đi làm, tôi rất cẩn thận và tuân thủ 5K. Thế nhưng không biết vì đâu mà cả nhà bị mắc COVID-19. Tuy nhiên, thay vì ngồi oán thán số phận, tìm nguyên nhân bị nhiễm từ đâu, tôi đã chuyển hướng tích cực hơn để lấy lại tinh thần tinh thần lạc quan. Khi thấy tôi bình tĩnh, vui vẻ, vợ tôi và các con cũng quên đi lo lắng và lạc quan, vui vẻ hơn", anh Bình nhớ lại.

Chú thích ảnh
Hai con gái anh Bình ngồi chờ chuyển đến khu cách ly tập trung để chữa bệnh. Ảnh: NVCC

Theo anh Bình, cả gia đình anh không thể nào quên thời gian hơn một tuần điều trị trong khu cách ly tập trung tại Trường tiểu học Phạm Hữu Lầu (phường Phú Mỹ, Quận 7). 

Anh kể: Khoảng 21 giờ ngày 22/7, cả 4 người trong gia đình (hai vợ chồng và hai cô con gái) cùng test nhanh và phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Khi đó, cả nhà chỉ có mình anh có ít triệu chứng như ho, sốt nhẹ, hơi đau họng… Đây là những triệu chứng khiến ai cũng nghĩ là anh Bình bị cảm cúm hay bệnh mãn tính viêm họng hạt của anh tái phát.  

"Lúc đó, tôi cứ nghĩ mình bị viêm họng như mọi lần vì tôi có chứng viêm họng hạt mãn tính từ trước, tuy nhiên khi test nhanh lại cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, vợ và hai con tôi cũng có triệu chứng giống tôi và khi test nhanh, tất cả 3 người còn lại trong nhà đều cho kết quả dương tính. Ngay sau đó, tôi đã báo với Ban quản lý chung cư Belleza (phường Phú Mỹ, Quận 7) để tìm hướng xử lý. Khi đó, chung cư này cũng đã có hơn 30 ca F0 không rõ nguồn lây", anh Bình nhớ lại.

Nhận được thông tin từ gia đình anh Bình thông báo bị mắc COVID-19, Ban quản lý chung cư Belleza đã làm việc với ngành y tế phường Phú Mỹ (Quận 7) để chuẩn bị đưa gia đình anh đi cách ly tập trung. Tuy nhiên, lúc đó Thành phố đang vào cao điểm dịch và cũng đã khuya nên các nhân viên y tế, đại diện Ban quản lý chung cư cũng đã động viên gia đình anh bình tĩnh, ngủ ở nhà một đêm chờ đến sáng mai có người đến đón đi cách ly, chữa bệnh. Khoảng 10 giờ trưa hôm sau, cả nhà anh được đưa đi cách ly tập trung tại Trường tiểu học Phạm Hữu Lầu. Từ đây, cả gia đình bắt đầu hành trình chiến đấu với con virus gây bệnh COVID-19. 

Chú thích ảnh
Anh Bình khi biết tin mình bị COVID-19 cũng đã lo lắng nhưng nhanh chóng lấy lại tinh thần để chiến đấu với dịch bệnh. Ảnh: NVCC

"Chúng tôi được xếp ở chung một phòng học, ghép bàn học sinh làm giường để nghỉ ngơi. Phòng thoáng, mát mẻ cho nên cảm giác cũng dễ chịu. Tuy nhiên, khi vào khu cách ly 4 ngày và phải đến ngày thứ 5, gia đình tôi mới có bác sĩ, điều dưỡng hỗ trợ, bởi khi đó TP Hồ Chí Minh đang bước vào cao điểm của dịch", anh Bình tâm sự. 

Theo anh Bình, những ngày đầu, mặc dù mệt và mất vị giác, ăn không cảm thấy ngon nhưng anh luôn nhắc cả nhà cùng cố gắng ăn uống để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Đặc biệt, trong những ngày chưa có bác sĩ, anh Bình đã nhờ người bạn là bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tư vấn về thuốc điều trị COVID-19 cho cả gia đình. Ngoài ra, để mọi người trong gia đình yên tâm chữa bệnh, anh còn luôn động viên vợ và hai con là phải giữ vững tinh thần lạc quan, phải tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ và hỗ trợ các thành viên khác trong gia đình để nhanh chóng chiến thắng dịch bệnh, trở về nhà. Bởi anh Bình biết, khi con người có tinh thần lạc quan, nó như liều thuốc quan trọng giúp mình chiến thắng COVID-19.

COVID-19 không đáng sợ khi chúng ta bình tĩnh

Sau khi có bác sĩ điều trị, gia đình anh Bình đã có phần yên tâm hơn bởi đội bác sĩ, điều dưỡng ở khu cách ly tại Trường tiểu học Phạm Hữu Lầu khá tận tâm, nhiệt tình. Dù ngày hay đêm, khi bệnh nhân có yêu cầu là đội ngũ y, bác sĩ luôn có mặt để thăm khám và phát thuốc kịp thời và còn thường xuyên động viên, thăm hỏi, khích lệ bệnh nhân cố gắng chữa bệnh. 

Chú thích ảnh
Khi đi cách ly chữa bệnh, các con anh Bình rất ngoan và chăm chỉ làm bài tập, đọc sách... Ảnh: NVCC

"Sáng nào chúng tôi cũng được bác sĩ điện thoại hỏi thăm sức khỏe và điều chỉnh thuốc theo diễn tiến của bệnh và luôn động viên tinh thần bệnh nhân cố gắng chữa bệnh bằng việc ăn uống, tập thể dục... Đặc biệt, tôi vô cùng biết ơn khi đội ngũ y, bác sĩ đã quyết định chuyển vợ tôi lên tuyến trên để chữa bệnh kịp thời khi vợ tôi có dấu hiệu chuyển biến nặng. Nhờ quyết định kịp thời này của các bác sỹ mà gia đình tôi mới có thêm cơ hội cùng nhau chiến thắng dịch và về nhà sớm", anh Phạm Thái Bình nói. 

Anh Bình nhớ lại: "Vào khu cách ly được một tuần, vợ tôi bị ói liên tục và không ăn được thức ăn dẫn đến cơ thể mệt mỏi, suy nhược. Tôi rất lo lắng cho vợ, cả nhà lúc này cũng "đứng ngồi không yên". Nhận thấy tình trạng vợ tôi có chuyển biến khác thường, các bác sĩ đã quyết định chuyển vợ tôi lên bệnh viện tuyến trên để kịp thời chữa trị. Tâm trạng tôi khi đó vừa mừng vì vợ được đưa đi chữa kịp thời vừa lo lắng, không yên tâm khi tôi không được đi cùng để chăm sóc. Đến sáng hôm sau, tôi nhận được tin tình hình vợ mình đã tạm ổn và đang đáp ứng điều trị khá tốt. Nhờ tin tốt về vợ mà tôi và các con đã có phần yên tâm tiếp tục chữa bệnh tại khu cách ly". 

Đến ngày 2/8, sau khi xét nghiệm RT-PCR âm tính, anh Bình và hai con được cho về nhà tự cách ly thêm 14 ngày. Đến ngày 8/8, vợ anh cũng được cho về nhà khi đã ổn định sức khỏe và có kết quả hai lần xét nghiệm đều âm tính với SARS-CoV-2.

Anh Phạm Thái Bình cho biết, hiện nay, việc đưa F0 không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ về nhà điều trị là hết sức phù hợp vì ở nhà mọi người sẽ thoải mái hơn và cũng nhanh khỏi bệnh. Khi tinh thần thoải mái sẽ mau chiến thắng dịch bệnh, đồng thời còn giúp giảm chi phí cho Nhà nước. Quan trọng hơn hết là sẽ hạn chế tình trạng nhiễm chéo ở khu cách ly.

Từ khi về nhà cách ly đến nay, anh Bình và hai con đã có thêm hai lần xét nghiệm cho kết quả âm tính và đến nay cả nhà anh đã được công nhận khỏi bệnh. Sau khi chiến thắng được bệnh COVID-19, anh Bình cho rằng "cuộc sống này không gì quan trọng bằng sức khỏe và mọi người hãy trân trọng nó. Khi có sức khỏe, chúng ta có thể làm được nhiều điều đáng quý cho xã hội". Thông qua việc chữa bệnh và sự quan tâm của đội ngũ y tế, cả gia đình anh Bình cũng có thêm trải nghiệm mới để biết rằng ngành y tế đang nỗ lực hết mình để chăm sóc cho các bệnh nhân COVID-19. 

Anh Phạm Thái Bình tâm sự: "Sau khi trở về nhà, để tri ân các bác sĩ và cũng để giảm gánh nặng cho ngành y tế, tôi cũng tích cực tham gia tư vấn cho bạn bè, người thân xung quanh về việc điều trị bệnh COVID-19 để họ có niềm tin chiến thắng dịch bệnh nếu như không may bị nhiễm bệnh. Mặt khác, tôi luôn cảm kích sự quan tâm của các bác sĩ nên tôi cũng tham gia tư vấn chữa bệnh cho các F0 bởi tôi cũng muốn làm việc gì đó để giảm gánh nặng cho ngành y tế TP Hồ Chí Minh hiện nay".

Sau khi khỏi bệnh, anh Bình còn có "nhiệm vụ mới" là tư vấn cho các F0 khác, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch...

Anh Bình tâm sự: "Sau khi khỏi bệnh, tôi thấy mình cần phải giúp đỡ người khác nhiều hơn để cùng người dân và chính quyền Thành phố đẩy lùi dịch bệnh. Nếu ai có mắc bệnh thì cần bình tĩnh, lạc quan, không được quá lo lắng, giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ và mọi người cũng cần chủ động khai báo y tế hoặc xin số điện thoại các bộ phận liên quan để nhờ hỗ trợ kịp thời. Đối với việc ăn uống, cần chịu khó ăn uống đủ bữa, dù không ngon cũng phải ráng nuốt để bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, cần uống nhiều nước ấm và bổ sung vitamin C (nước cam, chanh mật ong nóng...); sinh hoạt bình thường, tập thể dục, phơi nắng mỗi buổi sáng, vệ sinh thường xuyên chỗ ở (có thể lau bằng Cloramin B), mở cửa sổ thông thoáng... Đặc biệt, mọi người cần súc, rửa họng, mũi thường xuyên, khi bị triệu chứng gì thì uống thuốc chữa triệu chứng đó. Chẳng hạn như bị sốt thì uống hạ sốt, ho khan hay đàm thì uống thuốc chữa ho đàm, tiêu chảy nhiều thì uống thuốc tiêu chảy và phải nhớ uống nhiều nước ấm..."

"COVID-19 thực ra cũng không đáng sợ khi chúng ta giữ bình tĩnh. Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất là tâm lý lo lắng, bất an sẽ làm cho bản thân suy sụp, khiến dịch bệnh tấn công chúng ta nhanh hơn. Mặc dù biết khi có bệnh, cơ thể chúng ta rất mệt và suy yếu nhưng nếu chúng ta cứ nằm một chỗ, bỏ ăn uống sẽ khiến chúng ta gục ngã trước COVID-19. Vì vậy, mọi người khi bị mắc COVID-19 cần cố gắng giữ tinh thần lạc quan, tránh đọc các thông tin tiêu cực về dịch bệnh để mau chóng khỏi bệnh như 4 người trong gia đình tôi đã chiến thắng, vượt qua bệnh COVID-19 thành công", anh Bình vui vẻ chia sẻ.

Bài 2: Gia đình chung tay "đánh bay" COVID-19

Chú thích ảnh

 

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Nỗ lực chiến thắng COVID-19 của F0 - Bài cuối: Khỏi bệnh, tình nguyện đi chống dịch
Nỗ lực chiến thắng COVID-19 của F0 - Bài cuối: Khỏi bệnh, tình nguyện đi chống dịch

Sau 21 ngày chiến đấu với dịch bệnh COVID-19, 9 thành viên trong gia đình anh Nguyễn Trọng Hoàng (38 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh) đã khỏi bệnh và 4 thành viên tình nguyện ở lại để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tiếp tục chống dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN