Những thương vụ 'Thay vai đổi chủ' hoán đổi đất công: Bài 2 - Khuất tất dự án Nông trường Dừa

Trong quá trình điều tra sai phạm tại dự án 8-12 Lê Duẩn (quận 1), Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đã thu thập hồ sơ, tài liệu, xác minh dự án Nông trường Dừa (quận 9) liên quan đến ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Bị can Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Ảnh: Bộ Công an/TTXVN phát

Đến nay, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ra các quyết định hành chính có liên quan đến việc thu hồi khu đất Nông trường Dừa, hủy bỏ văn bản chấp thuận việc thoái vốn của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (về sau cổ phần hóa thành Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh, gọi tắt là Saigontourist) và báo cáo Thanh tra Chính phủ về các biện pháp khắc phục, xử lý sai phạm tại dự án. 

Theo thông tin thu thập được, năm 1996, UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhập Nông trường Dừa vào Công ty Lâm Viên, doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND huyện Thủ Đức (về sau tách thành quận Thủ Đức và quận 9). Đến năm 2002, UBND Thành phố chuyển Công ty Lâm Viên làm doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập của Saigontourist.

Năm 2004, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận giao Saigontourist làm chủ đầu tư Khu du lịch sân golf Sài Gòn tại Nông trường Dừa quy mô 156 ha. Được sự cho phép của UBND Thành phố, Saigontourist đã hợp tác với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ Du lịch Thủ Đức, Công ty cổ phần Địa ốc Thành Nhơn, Công ty VietNam Ventures Limited thành lập Công ty Cổ phần Sài Gòn Gôn để triển khai dự án (về sau đổi thành Công ty trách nhiệm hữu hạn Sài Gòn Gôn - gọi tắt là Công ty Sài Gòn Gôn). 

Năm 2007, Công ty Sài Gòn Gôn được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu dự án Khu du lịch sân golf Sài Gòn tại Nông trường Dừa với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Về sau, một số cổ đông thoái vốn, còn lại 2 cổ đông là Saigontourist (vốn góp 100 tỷ đồng là giá trị một phần chi phí bồi thường đất tại phường Long Trường, quận 9) và Công ty cổ phần Địa ốc Thành Nhơn (vốn góp 100 tỷ đồng bằng tiền mặt).

Năm 2009, do Chính phủ thay đổi quy hoạch sân golf nên dự án sân golf Nông trường Dừa không nằm trong danh mục được đầu tư. Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố, đã chấp thuận chủ trương nghiên cứu điều chỉnh chức năng quy hoạch, từ dự án Khu du lịch sân golf Sài Gòn thành dự án Khu đô thị và du lịch, bỏ mục tiêu du lịch sinh thái. Đến tháng 6/2011, Công ty Sài Gòn Gôn xin được điều chỉnh dự án thành Khu đô thị Eastern Sense, giảm chỉ tiêu dân số dự án từ 30.000 thành 20.000 dân.

Năm 2014, UBND TP Hồ Chí Minh thu hồi 156 ha đã giao cho Saigontourist để chuyển UBND quận 9 quản lý chặt chẽ, tránh lấn chiếm, xây dựng trái phép, tuy nhiên gần nửa năm sau, Saigontourist vẫn chưa bàn giao 156 ha. Ngược lại, tháng 12/2014, Công ty Sài Gòn Gôn có công văn xin thành phố không thu hồi đất và làm dự án Khu đô thị dân cư Dừa vì đã bỏ ra chi phí chuẩn bị dự án hơn 109 tỷ đồng.

Đến tháng 12/2015, UBND Thành phố Hồ Chí Minh công nhận Công ty Sài Gòn Gôn làm chủ đầu tư dự án giai đoạn 1 - xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính khu dân cư đô thị tại khu vực Nông trường Dừa với diện tích 156 ha. Mặc dù hết thời hiệu giấy chứng nhận chủ đầu tư, dự án chưa được triển khai nhưng sau đó UBND Thành phố chấp thuận chủ trương gia hạn hiệu lực công nhận Công ty Sài Gòn Gôn làm chủ đầu tư. Vào thời điểm này, theo xác nhận của Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Sài Gòn Gôn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đối với 156 ha đất Nông trường Dừa.

Đến đây, dự án sau khi đã thay đổi tên gọi, điều chỉnh chức năng, thậm chí không phải thu hồi lại tiếp tục được thực hiện cũng do chính Công ty Sài Gòn Gôn làm chủ đầu tư dưới tên gọi “Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật”. Thời điểm này trùng khớp với khoảng thời gian Saigontourist thoái vốn tại Công ty Sài Gòn Gôn. Nếu Công ty Sài Gòn Gôn không tiếp tục được công nhận là chủ đầu tư dự án thì chắc chắn 156 ha Nông trường Dừa sẽ không dễ dàng bị “qua mặt” để đưa vào giá trị thoái vốn. Giá trị quyền sử dụng đất 156 ha Nông trường Dừa thay vì phải được xác định theo quy định đấu giá công khai lại được các doanh nghiệp định lượng rẻ trong quá trình cổ phần hóa. 

Đáng chú ý, tháng 5/2017, Saigontourist bán phần vốn sở hữu tại Công ty Sài Gòn Gôn thu về 645,4 tỷ đồng, đồng thời chuyển vai trò chủ đầu tư Khu dân cư 156 ha Nông trường Dừa sang Công ty cổ phần Địa ốc Thành Nhơn. Thương vụ “thay vai đổi chủ” 156 ha đất Nông trường Dừa hoàn tất. Mặc dù vụ việc có nhiều khuất tất, ảnh hưởng đến tài sản nhà nước cần làm rõ, nhưng tháng 6/2017, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh lại ký văn bản số 3653/UBND-KT chấp thuận và công nhận kết quả thoái vốn kể trên của Saigontourist là đúng pháp luật. Về vấn đề này, Kết luận điều tra số 114/KLĐT-VPCQCSĐT của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an xác định, đến nay UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ra các quyết định thu hồi 156 ha Nông trường Dừa, hủy bỏ văn bản chấp thuận việc thoái vốn của Saigontourist và báo cáo Thanh tra Chính phủ về các biện pháp khắc phục, xử lý sai phạm tại dự án. 

Vấn đề đặt ra ở chỗ, chưa xét đến giá đất giao dịch theo thị trường, chỉ chiếu theo Quyết định số 51/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về giá đất áp dụng từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2019, giá đất trên đường Trường Lưu, Tam Đa, phường Trường Lưu (quận 9 - quanh khu vực Nông trường Dừa) đã lần lượt là 2,4 triệu đồng/m2 và 2,1 triệu đồng/m2. Như vậy, chỉ cần áp dụng khung giá đất do UBND Thành phố ban hành, 156 ha đất ở Nông trường Dừa cũng đã có tổng giá trị dao động từ 3.276 - 3.744 tỷ đồng.

Vậy Saigontourist với tư cách là doanh nghiệp nhà nước thu về cho mình khoản lợi nhuận 645,4 tỷ đồng (chưa trừ đi 100 tỷ đồng đã đầu tư ban đầu vào dự án Nông trường Dừa) từ việc bán cổ phần tại Công ty Sài Gòn Gôn có gây thiệt hại gì cho ngân sách Nhà nước? Mặt khác, 545,4 tỷ đồng có phải là giá trị thật của 156 ha Nông trường Dừa và vai trò quản lý của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu trong quá trình “thâu tóm” đất công tại đây?.

Trần Xuân Tình  (TTXVN)
Những thương vụ 'thay vai đổi chủ', hoán đổi đất công: Bài 1 - Bán rẻ 'đất vàng' gây thất thoát hơn 2.000 tỷ đồng
Những thương vụ 'thay vai đổi chủ', hoán đổi đất công: Bài 1 - Bán rẻ 'đất vàng' gây thất thoát hơn 2.000 tỷ đồng

Sau ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh bị tuyên phạt 7 năm tù trong vụ “đất vàng” 15 Thi Sách (quận 1) do liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, đến lượt ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố “dính” vòng lao lý. Theo các quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, ông Nguyễn Thành Tài hiện là bị can trong 2 vụ sai phạm quản lý đất đai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN