Gửi xe lại nhà một hộ dân, chúng tôi xuống bến đò Thượng Lưu, xã Yên Na, huyện Tương Dương thuê thuyền máy tìm đến nơi các hộ dân tái định cư thủy điện Bản Vẽ quay trở về đang sinh sống, làm ăn. Vùng lòng hồ thủy điện rộng lớn, bao quanh là các xã được coi là khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An và huyện Tương Dương. Để gặp được các hộ dân, cách duy nhất là phải đi thuyền nhiều giờ đồng hồ dọc theo lòng hồ thủy điện. Đến nơi các hộ dân đang ở, đập vào mắt chúng tôi là cảnh sống nhếch nhác, tạm bợ, hiểm nguy ngay bên vách núi và trong vùng lòng hồ.
Dự án thủy điện Bản Vẽ ở huyện Tương Dương, Nghệ An, công suất 320 MW, tổng vốn đầu tư 7.781 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2004, đưa vào vận hành từ năm 2010. Để thực hiện dự án đã phải di dời, tái định cư 3.022 hộ dân đến các khu tái định cư ở huyện Tương Dương, Thanh Chương; trong đó, có 2.127 hộ phải di dời về các khu tái định cư tập trung ở huyện Thanh Chương.
Thực hiện việc xây dựng thủy điện Bản Vẽ, từ năm 2009, gia đình ông Lô Văn Chương, xã Luân Mai, huyện Tương Dương được tái định cư tại xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương. Nhưng cũng chỉ tròn một năm sau (năm 2010), gia đình ông quay trở lại vùng lòng hồ thủy điện để sống và làm ăn cho đến nay.
Nói là nhà, nhưng gia đình ông đang sống trên bè trong lòng hồ thủy điện. Ông buồn bã nói: “Gia đình tôi được di dời tái định cư về huyện Thanh Chương. Trước đây cuộc sống gia đình cũng tạm ổn, không đến nỗi vất vả lắm. Nhưng sau khi có chủ trương di dời về huyện Thanh Chương thì đất đai chưa cụ thể, nhiều cái bất cập lắm. Gia đình tôi có 5 khẩu nhưng chỉ được giao 1,2 ha đất. Về tái định cư ở huyện Thanh Chương con đi học, nhưng không biết làm sao kiếm ra tiền buộc phải lên trên quê cũ làm ăn".
Không chỉ hộ ông Lô Văn Chương mà còn rất nhiều hộ gia đình khác có hoàn cảnh tương tự. Bà Vi Thị Loan cũng là một trong những hộ dân được tái định cư tại huyện Thanh Chương từ năm 2010, nhưng cũng chỉ một năm sau, gia đình bà quay trở về khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ở huyện Tương Dương sinh sống. Bà Loan cho biết, ở huyện Thanh Chương không làm rẫy được nên phải quay về.
Quay trở về nơi cũ trong vùng lòng hồ, các hộ dân đang sống trong tình cảnh tạm bợ, hiểm nguy. Điện không có, sóng điện thoại và nước sạch cũng không; con cháu thất học vì trường học đã xóa sổ hoặc không có hộ khẩu tại nơi cũ để xin học cho con. Cuộc sống của các hộ dân coi như biệt lập với bên ngoài.
Nguyên nhân chính các hộ quay trở vùng lòng hồ là do điều kiện sống tại khu tái định cư không đảm bảo; việc hỗ trợ, đền bù đất đai tại nơi ở cũ ở vùng lòng hồ chưa thỏa đáng. Mặt khác, nơi ở cũ trong vùng lòng hồ trước đây đã từng gắn với tập quán, sinh hoạt, cuộc sống của các hộ dân, các hộ cho rằng quay trở lại vùng lòng hồ có thể làm được nhiều nghề để có thu nhập, cuộc sống đỡ vất vả hơn khi ở tại các khu tái định cư.
Xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn (huyện Thanh Chương) là 2 xã mới thành lập với 100% là người dân tái định cư từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ chuyển về, cơ sở hạ tầng và những điều kiện khác phục vụ cuộc sống, sinh hoạt của người dân tái định cư đang tồn tại nhiều bất cập. Hiện nay cả 2 xã đều chưa có chợ nông thôn.
Tại xã Ngọc Lâm có nhà văn hóa bản Noòng được đầu tư xây dựng từ năm 2005, tuy nhiên, nhà văn hóa này lại nằm xa khu dân cư, ở vị trí cao nên việc đi lại sinh hoạt của người dân khó khăn. Vì vậy, người dân không sử dụng nhà văn hóa này mà phải sử dụng nhà dân để họp.
Có một bất cập lớn nữa cũng là nguyên nhân chính làm cho các hộ tái định cư quay trở về nơi cũ để làm ăn. Đó là việc dự án thủy điện Bản Vẽ thực hiện di dân tái định cư từ năm 2005 đến năm 2009, các chế độ chính sách bồi thường, hỗ trợ được áp dụng theo quy định tại Nghị định 22/199/CP ngày 22/07/1998, Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ; trong đó, phần diện tích trên cốt ngập không quy định được bồi thường, hỗ trợ. Do đó, trong quy hoạch không có phần diện tích này và trong tổng mức kinh phí bồi thường được duyệt cũng không có nội dung này.
Tuy nhiên, từ ngày 1/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg về việc bồi thường hỗ trợ và tái định cư các dự án thuỷ lợi, thủy điện; trong đó, có quy định về việc bồi thường đất đối với hộ có đất trên cốt ngập phải di chuyển về nơi ở mới xa nơi ở cũ. Vì vậy, người dân tái định cư dự án thủy điện Bản Vẽ đã so sánh và lấy lý do quay về vùng lòng hồ (nơi ở cũ) là do chưa được bồi thường hỗ trợ đất sản xuất trên cốt ngập.
Việc người dân quay trở về vùng lòng hồ thủy điện đang kéo theo nhiều hệ lụy xấu, gây khó khăn cho địa phương trong quản lý đất đai, cũng như vấn đề an ninh, trật tự trên địa bàn.
Trước thực tế các hộ dân tái định cư quay trở lại vùng lòng hồ, ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch thường trực HĐND huyện Tương Dương, Nghệ An cho biết, áp lực lớn nhất cho địa phương đó là quản lý xã hội trên địa bàn. Điều này đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý dân cư, đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống cháy rừng trên khu vực lòng hồ.
Để sớm ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho người dân quay trở lại nơi đã được tái định cư là việc làm không đơn giản. Phó Chủ tịch HĐND huyện Tương Dương Vi Tân Hợi, cho biết, huyện sẽ kiên trì tiếp tục vận động người dân về lại khu tái định cư. Huyện cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền khẩn trương xác định lại đất đai, bồi thường cho bà con trước đây đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bà con được thụ hưởng chính sách đất đai. Cùng với đó, huyện sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân về đất đai.
Theo UBND tỉnh Nghệ An, tỉnh đã đề nghị Chính phủ cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam được sử dụng nguồn vốn đầu tư dự án thủy điện Bản Vẽ để đầu tư xây dựng các hạng mục cần thiết, như: Đài tưởng niệm liệt sĩ, chợ nông thôn, sân vận động của 2 xã Ngọc Lâm và xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương); đầu tư xây dựng nhà văn hóa bản Nòong, xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương); đầu tư bổ sung khu tái định cư tại cụm Xốp Vi, huyện Tương Dương; đầu tư xây dựng khu tái định cư mới cho 46 hộ thuộc khu tái định cư Khe Ò tại vị trí khu mặt bằng công trường cũ mà chủ đầu tư không có nhu cầu sử dụng, hiện nay đang làm thủ tục bàn giao lại cho địa phương quản lý.
Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ xem xét, giải quyết kiến nghị của người dân tái định cư về chính sách bồi thường hỗ trợ đất trên cốt ngập công trình thủy điện Bản Vẽ của các hộ dân đã di dời đến nơi ở mới để đảm bảo quyền lợi cho người dân tái định cư.
UBND tỉnh Nghệ An cũng cho hay, vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 4 đã gây ra mưa lớn ở huyện Tương Dương và các huyện miền núi kết hợp với lũ từ Lào đổ về nên đã gây lũ đặc biệt lớn trên thượng nguồn sông Cả. Do lũ về và qua hồ thủy điện Bản Vẽ lớn nên đã gây thiệt hại về nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối hoa màu của nhân dân và nhiều công trình công cộng khác.
Xã Lượng Minh, huyện Tương Dương là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, với 31 hộ đã phải tháo dỡ nhà cửa, hiện chưa có đất ở, phần lớn đang ở tạm ngay trên tuyến tỉnh lộ 543B, cuộc sống hết sức khó khăn, không nhà, không điện, không nước...
Tỉnh Nghệ An đề nghị Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ xây dựng hạ tầng gồm san nền, điện, nước, đường giao thông trên mặt bằng đã có sẵn tại bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh (huyện Tương Dương) để 31 hộ dân bị ảnh hưởng của lũ lụt sớm có chỗ ở mới để ổn định cuộc sống; sửa chữa tuyến đường 543B, nâng cao nền đường tại các vị trí bị ngập để đảm bảo việc đi lại an toàn trong các đợt lũ tiếp theo; hỗ trợ kinh phí sửa chữa một số cầu treo bị hỏng