Đây là những nội dung lớn, liên quan đến nhiều sở, ngành, địa phương ở tỉnh Nghệ An và một số bộ, ngành ở Trung ương và đã kéo dài nhiều năm; trong đó, có những nội dung gây bức xúc kéo dài cho người dân tái định cư.
Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Ban Quản lý dự án thủy điện 2 bố trí kinh phí, tổ chức triển khai, tập trung giải quyết các tồn tại, phát sinh trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư; trong đó, có việc thực hiện đầu tư xây dựng đường sản xuất đến khu sản xuất của người dân tái định cư ở xã Ngọc Lâm và xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương).
Đồng thời, chủ trì và phối hợp với UBND huyện Thanh Chương, huyện Tương Dương bồi thường chênh lệch nơi đi, nơi đến và rà soát, xác định ranh giới giao đất thực địa chia đất ở và đất sản xuất cho người dân để thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ban Quản lý dự án thủy điện 2 phối hợp với UBND huyện Tương Dương lập hồ sơ bổ sung phần diện tích thực tế bị ngập tại 2 bản Con Phen và Xốp Cháo (xã Lượng Minh) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện bồi thường cho các hộ dân.
UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án thủy điện 2 phối hợp với UBND huyện Tương Dương và Thanh Chương trực tiếp vào khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ để nắm bắt tư tưởng của từng hộ dân tái định cư đang sinh sống trong khu vực lòng hồ.
Qua đó, vận động và ưu tiên giải quyết nhanh các chế độ, chính sách tái định cư cho các hộ dân tái định cư sau khi họ chuyển về khu tái định cư tập trung để họ có thêm kinh phí ổn định cuộc sống. Ngoài ra, hỗ trợ thêm chi phí vận chuyển tài sản cho các hộ dân tái định cư đang sinh sống trên lòng hồ có điều kiện trở về huyện Thanh Chương.
Tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu UBND huyện Tương Dương quản lý chặt vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, không để các hộ dân đến ở trong khu vực lòng hồ; chủ trì phối hợp với Ban Quản lý dự án thủy điện 2 làm việc với Tổng công ty phát điện 1 về hỗ trợ kinh phí để khắc phục các thiệt hại do lũ lụt trong tháng 8 và tháng 9/2018 gây ra.
Huyện Tương Dương cũng phối Ban Quản lý dự án thủy điện 2 thực hiện đầu tư bổ sung khu tái định cư tại cụm Xốp Vi để di chuyển 59 hộ còn lại tại các cụm Xốp Cháo, Khe Pặng, Pùng Meo trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.
Tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND huyện Thanh Chương chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án thủy điện 2 và các đơn vị liên quan thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tái định cư kịp thời để ổn định sản xuất; rà soát lại quỹ đất và bố trí đủ để chia bổ sung cho các hộ dân tái định cư.
Đồng thời, tập trung rà soát toàn diện về giao đất sản xuất của tất cả các hộ dân tái định cư trên địa bàn huyện Thanh Chương,. Nếu hộ nào còn thiếu thì sớm bố trí quỹ đất để chia đủ cho người dân tái định cư ổn định cuộc sống.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với UBND các huyện Tương Dương, Thanh Chương hướng dẫn Ban Quản lý dự án thủy điện 2 làm thủ tục chuyển đổi đất có rừng để có cơ sở giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ưu tiên bố trí kinh phí cho các huyện Tương Dương, Thanh Chương để thực hiện việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh công tác kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu bản đồ hồ sơ địa chính phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tại các khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ; hướng dẫn, chỉ đạo các huyện và Ban Quản lý dự án thủy điện 2 thực hiện giao đất tại thực địa cho nhân dân nhằm ổn định sản xuất và làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các nội dung liên quan đến việc bồi thường chênh lệch nơi đi và nơi đến đầy đủ, kịp thời.
Sở Công Thương Nghệ An cho biết, thời gian qua, chủ đầu tư thủy điện Bản Vẽ (đại diện là Ban Quản lý dự án thủy điện 2) đã phối hợp với UBND huyện Tương Dương, Thanh Chương và các đơn vị liên quan thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân tái định cư về cơ bản đã tuân thủ đúng các quy định hiện hành. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số nội dung tồn tại, khó khăn, vướng mắc chưa giải quyết dứt điểm và chậm giải quyết, gây bức xúc cho người dân tái định cư và chính quyền các địa phương.
Theo UBND huyện Tương Dương, để xây dựng thủy điện Bản Vẽ đã phải di dời 3.022 hộ dân ra khỏi vùng lòng hồ về tái định cư tại huyện Thanh Chương và các khu tái định cư trên địa bàn huyện Tương Dương. Việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án trên địa bàn cơ bản đã hoàn thành.
Tuy nhiên, đời sống người dân tái định cư vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các hộ thuộc diện tái định cư là 59,53%, cao hơn mức trung bình toàn huyện là 36,34%.
Huyện Tương Dương đề nghị Tổng công ty phát điện 1, Ban Quản lý dự án thủy điện 2 hỗ trợ kinh phí sữa chữa nhà ở tái định cư, các công trình công cộng do chủ đầu tư xây dựng nay đã xuống cấp; hỗ trợ san nền nhà ở cho 3 bản khó khăn vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ là bản Xốp Cháo, Piêng Luống, Phia Òi.
Cùng đó, đầu tư bổ sung khu tái định cư tại cụm Xốp Vi để chuyển 59 hộ còn lại tại các cụm Xốp Cháo, Khe Pặng, Pủng Meo; hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới khu tái định cư Khe Ò. Ngoài ra, hỗ trợ kinh phí xây dựng trường THCS xã Yên Na; hỗ trợ thiệt hại do đợt xã lũ ngày 30, 31/8/2018 và bồi thường, hỗ trợ về đất đai trên cốt ngập của dự án thủy điện Bản Vẽ.
UBND huyện Thanh Chương cũng đề nghị tỉnh Nghệ An và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban Quản lý dự án thủy điện 2 đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn 2 xã tái định cư thủy điện Bản Vẽ là xã Thanh Sơn và xã Ngọc Lâm.
UBND huyện Thanh Chương cho rằng, trong quá trình đầu tư phát triển hạ tầng, một số công trình thiết yếu ở 2 xã này còn thiếu chưa được đầu tư hoặc đầu tư còn dang dở, vị trí chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa phát huy hiệu quả.
Đơn cử, các công trình như: chợ nông thôn, sân vận động xã, Đài tưởng niệm liệt sỹ vẫn còn thiếu, hay nhà văn hóa bản Nòng (xã Ngọc Lâm) vị trí xây dựng không phù hợp…