Công ty cung cấp pizza không có giấy ATTP
Ngay trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2021 với slogan “Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới", sự cố nhiều em học sinh của Trường liên cấp Tiểu học - Trung học cơ sở Pascal và Trường Tiểu học I-sắc Niu-tơn thuộc Hệ thống Trường liên cấp Newton tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phải nghỉ học với lý do đau bụng, nôn và đi ngoài, khiến nhiều bậc phụ huynh rất hoang mang lo lắng.
Báo cáo lãnh đạo thành phố Hà Nội chiều 19/4, đại diện quận Bắc Từ Liêm cho biết: Ngày 16/4, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã xảy ra 2 sự cố về thực phẩm tại Pascal và I-sắc Niu-tơn khiến 6 học sinh phải nhập viện theo dõi nhiễm khuẩn đường ruột. Thực phẩm nghi ngờ gây ra sự cố mất an toàn thực phẩm đối với 2 trường trên là bánh pizza nhân xúc xích tại bữa phụ chiều 15/4 và món cá file basa chiên bơ tại bữa trưa 15/4. Tính đến sáng 19/4, sức khỏe 6 học sinh này đã ổn định, các trẻ đã đi học trở lại.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng quận Bắc Từ Liêm và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã kiểm tra 3 cơ sở cung cấp thực phẩm và cung cấp suất ăn bán trú cho 2 trường học trên.
Kết quả, có 2 cơ sở bảo đảm đầy đủ các điều kiện pháp lý về an toàn thực phẩm theo quy định. Tuy nhiên có một cơ sở là Công ty TNHH Thương mại và sản xuất bánh ngọt Gia Bảo - đơn vị cung cấp bánh pizza cho I-sắc Niu-tơn không có phiếu kiểm nghiệm theo quy định đối với sản phẩm bánh pizza nhân xúc xích và không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) để sản xuất bánh pizza nhân xúc xích. Cơ quan chức năng quận Bắc Từ Liêm đã yêu cầu Công ty TNHH Thương mại và sản xuất bánh ngọt Gia Bảo tạm dừng cung cấp thực phẩm cho nhà trường.
Cơ quan chức năng đã lấy 12 mẫu thực phẩm tại bữa ăn trưa bán trú và bữa phụ chiều 15/4 của hai trường gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và đang chờ kết quả kiểm nghiệm để tìm ra nguyên nhân của sự việc.
Sau khi Báo Tin tức đăng loạt thông tin về vụ ngộ độc thực phẩm tại 2 trường trên, Trường Tiểu học I-sắc Niu-tơn đã có thư phản hồi. Trong thư, nhà trường cho biết đây là sự việc không mong muốn và đang tiếp tục chờ kết luận từ cơ quan chức năng. Ban Giám hiệu nhà trường cho biết, đã làm việc trực tiếp với từng đơn vị cung cấp dịch vụ thực phẩm và suất ăn học sinh cho trường. Trường đang yêu cầu rà soát lại toàn bộ tiêu chuẩn, quy trình cung cấp thực phẩm và suất ăn.
“Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng. Nhà bếp của trường hoạt động theo nguyên tắc 1 chiều, có phân khu riêng biệt vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại, có đầy đủ dụng cụ chế biến riêng đối với thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã qua chế biến, sử dụng nguồn nước sạch trong chế biến”, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học I-sắc Niu-tơn cho biết.
Tuy vậy, qua vụ việc này, trường sẽ chấn chỉnh lại quy trình cung cấp thực phẩm và suất ăn và đề nghị ký thêm phụ lục hợp đồng với các nhà cung cấp đương nhiệm với điều khoản sẽ phạt nặng hơn nếu nhà cung cấp là nguồn gốc để xảy ra sự vụ mất vệ sinh an toàn thực phẩm với nhà trường.
Trước đó, tại trường Pascal, ngày 15/4, 802 học sinh ăn bán trú đã ăn bữa trưa với thực đơn: Khối lớp 1,2,3 gồm cá file ba sa chiên bơ, bắp cải xào, canh cải nấu thịt, cơm gạo, tráng miệng hoa quả ổi; khối 4, 5 và thực đơn THCS gồm thịt kho củ cải, đậu rán, cá om dưa, bí xanh luộc, bắp cải xào, canh cải nấu thịt, tráng miệng hoa quả ổi, cơm gạo Bắc Hương, do Chi nhánh Công ty TNHH thương mại dịch vụ và phát triển Viettinmex Việt Nam cung cấp suất ăn sẵn. Còn bữa phụ lúc 15h giờ thực đơn là bánh Nabati và chè đỗ xanh.
Còn tại Trường Tiểu học I-sắc Niu-tơn, ngày 15/4, 1.533 học sinh của trường đã ăn bán trú buổi trưa và bữa phụ buổi chiều (thực đơn bữa trưa gồm thịt lợn rim/rán, đậu sốt thịt, thịt lợn băm, trứng gà ốp, bắp cải xào, bí xanh luộc, canh chua cá, tráng miệng là cam, và bữa phụ buổi chiều gồm Pizza nhân xúc xích) do Công ty TNHH Mặt Trời Lớn cung cấp suất ăn và Công ty TNHH Thương mại và sản xuất bánh ngọt Gia Bảo cung cấp bữa phụ.
“Đơn vị cung cấp lại không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP với đế pizza, không đáp ứng đủ tính pháp lý trong việc cung cấp thực phẩm nên phải dừng cung cấp. Hiện chúng tôi vẫn đang chờ kết quả kiểm nghiệm từ Viện Kiểm nghiệm Quốc gia. Rất khó để nói sự cố trên hoàn toàn do thức ăn. Tuy nhiên, không loại trừ việc có virus rota gây nôn, tiêu chảy", ông Giang Sơn Hà, Phó trưởng Phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm cho biết.
Theo ông Giang Sơn Hà, Phòng Y tế luôn quán triệt các đơn vị trường học về tính pháp lý, hồ sơ, năng lực của đơn vị cung cấp thực phẩm. Đặc biệt là khối trường công lập. Sau sự việc xảy ra tại trường Pascal và Trường Tiểu học I-sắc Niu-tơn, Phòng Y tế quận sẽ rà soát, kiểm tra một loạt ở các trường trên địa bàn.
Trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã có tiền lệ bị virus rota gây tiêu chảy diện rộng. Đó là vào năm 2020, một trường trên địa bàn đã có hàng chục cháu bị triệu chứng tương tự như ở trường Pascal và I-sắc Niu-tơn. Tuy nhiên, theo ông Giang Sơn Hà, kết luận cuối cùng vẫn phải chờ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia.
Truy trách nhiệm, xử nghiêm người đứng đầu cơ sở
Nhấn mạnh về việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các nhà trường, Phó Chủ tịch UBND thành phố, ông Chử Xuân Dũng vừa yêu cầu, các quận, huyện, thị xã cần quan tâm hơn nữa việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các trường học tại Hà Nội; đồng thời phải xử thật nghiêm, truy trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khi để xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm.
“Yêu cầu tăng cường cả việc hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm và công khai sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết”, ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Không chỉ Hà Nội đưa ra chỉ đạo phải truy trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khi để xảy ra sự cố mất ATTP mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.Hồ Chí Minh từng có văn bản gửi các trường học tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh ATTP nhà trường. Trong đó nhấn mạnh: Người đứng đầu các cơ sở giáo dục tại TP.Hồ Chí Minh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học.
Theo đó, Sở khuyến khích các cơ sở giáo dục phối hợp ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia giám sát các bếp ăn tập thể và suất ăn công nghiệp, căng tin tại các trường học; khuyến khích các trường chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức xét nghiệm để kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu và sản phẩm chế biến thức ăn trong trường; đồng thời, các trường phải quản lý chặt chẽ hoạt động của căn tin trong khuôn viên trường...
Nếu ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp suất ăn từ bên ngoài, Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh yêu cầu các trường không chọn những cơ sở cung cấp suất ăn quá xa, bảo đảm thời gian từ khi chế biến xong cho đến khi cho học sinh ăn không quá 2 giờ.
Theo các chuyên gia y tế về ATTP, thực phẩm sau khi chế biến quá lâu phải hâm nóng lại trước khi cho học sinh ăn. Trường cần bố trí khu vực đảm bảo vệ sinh để tiếp phẩm, phòng chia thức ăn hợp vệ sinh; nơi ăn uống của học sinh phải được vệ sinh sạch sẽ, ngăn nắp; khu vực rửa dụng cụ phân chia thức ăn hợp vệ sinh, trang bị tủ bảo quản dụng cụ chia thức ăn...