Không có Tết là bình thường
Không có mặt trong những sự kiện quan trọng của gia đình, đón năm mới xa nhà, không được ở cùng gia đình trong đêm giao thừa, phải làm việc từ trước Tết đến qua Tết và phải ngủ một mình ở khách sạn… là những ấn tượng nhớ đời của anh Trần Trung Kiên, hướng dẫn viên du lịch của công ty TST tourist.
Vào nghề được 6 năm cũng là 6 năm anh “được” trải nghiệm cảm giác đón Tết xa nhà.
Anh Trần Trung Kiên cho biết, kỷ niệm và day dứt đáng nhớ nhất trong đời làm hướng dẫn viên du lịch của mình là lần thất hứa với vợ, khi không thể “vượt cạn” cùng vợ như dự tính. Cách đây 3 năm, vợ anh dự kiến sinh con trai đầu lòng vào ngày 22 tháng Chạp, tuy nhiên khi anh đưa khách đi Hàn Quốc từ ngày 10 – 15 tháng Chạp thì vợ anh ở nhà sinh em bé sớm hơn khoảng 10 ngày.
“Khi đi công tác xa nhà, hai vợ chồng tôi có giao ước là mỗi tối sẽ tâm sự với nhau trước khi ngủ, tuy nhiên trong tối ngày 11, tôi không thể nào liên lạc được với vợ. Đến sáng hôm sau, nghĩ vợ có chuyện không hay, tôi gọi điện thoại cho ba tôi nhưng ba tôi cũng không nghe máy. Sau hỏi ra mới biết, lúc đó ba tôi đang đưa vợ tôi vào bệnh viện sinh em bé nên không thể nghe điện thoại của tôi. Chiều cùng ngày, dù rất lo lắng nhưng do mình đang đi làm nên phải tập trung hoàn thành công việc, tôi gác chuyện gia đình qua một bên”, anh Kiên nhớ lại.
Sau một thoáng trầm tư, anh Kiên tiếp câu chuyện: “Đến đầu giờ chiều ngày 12, tôi liên lạc được với vợ nhưng khi vợ vừa nghe máy, tôi đã thấy có một em bé nằm ngay cạnh vợ mình. Bất ngờ, tôi nhận ra đó con trai tôi. Hạnh phúc trong tôi trào dâng nhưng cảm giác tủi thân, thương vợ thương con khiến tôi bật khóc nức nở. Tôi tự đặt câu hỏi: Tại sao lúc vợ cần mình nhất thì mình lại không có mặt? Lúc đó, đầu tôi còn nghĩ đến chuyện đổi vé máy bay để về gặp vợ con. Tuy nhiên, khi bình tâm lại, tôi lại đặt công việc lên trên, bởi tôi đang đi làm với danh nghĩa công ty và 35 khách du lịch đang chờ mình chăm sóc, mình không thể bỏ họ mà về với vợ lúc này. Bây giờ, muốn về nhanh với vợ con chỉ có cách tập trung chăm sóc tốt cho khách và sau khi kết thúc tour mình sẽ được về nhà, bù đắp cho vợ con sau”.
Còn chị Mai Thị Kim Huệ (quê ở huyện Cần Đước, Long An), nhân viên hướng dẫn của công ty TST tourist, cho biết ngày Tết luôn là ngày khiến Huệ không an tâm nhất trong năm khi phải đi làm xuyên Tết. Gia đình Huệ chỉ có một mẹ một con, mỗi khi đi làm dịp Tết, Huệ lại phải chấp nhận để mẹ mình đón Tết với họ hàng, chòm xóm.
“Dịp Tết, hướng dẫn viên phải làm xuyên Tết là chuyện bình thường. Nếu bạn nào may mắn thì được xếp đi tour từ ngày Mùng 3 Tết, còn không đều phải lên tour từ ngày 28 Tết đến ngày Mùng 2 Tết và sau đó mới được trở về nhà. Mỗi lần đi làm tour xuyên Tết, em đều chuẩn bị tâm lý rất kỹ nhưng trong lòng em vẫn mang một cảm giác hụt hẫng, trống trải và nhớ mẹ”, Kim Huệ cho biết.
Theo Kim Huệ, trước khi chia tay người nhà đi làm các tour Tết, ngoài va ly hành lý cá nhân, mỗi hướng dẫn viên đều mang theo một “hành lý” đặc biệt, đó là những cảm giác nhớ nhà, hụt hẫng, tủi thân… Tuy nhiên, khi đã yêu nghề, gắn bó với nghề thì Huệ hay các bạn hướng dẫn viên khác đều luôn tự nhủ phải gác chuyện cá nhân để tập trung hoàn thành tốt công việc. Bởi người hướng dẫn viên du lịch có nhiệm vụ dẫn đoàn, phải truyền những cảm xúc tích cực trong suốt hành trình nên không thể để cảm xúc cá nhân chi phối.
Đón Tết sớm bên gia đình
Biết chọn nghề là phải hy sinh, chấp nhận đón Tết xa nhà nên những ngày giáp Tết, các hướng dẫn viên luôn tìm cách để quây quần bên gia đình trước khi lên đường đi tour. Kim Huệ cho biết, cứ mỗi giáp Tết, Huệ lại cùng mẹ chuẩn bị mọi thứ để đón Tết sớm.
“Ngày 26 Tết, em và mẹ sẽ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, nấu một nồi thịt kho tàu, một nồi canh khổ qua (mướp đắng)… để hai mẹ con cùng quây quần bên nhau. Đến ngày 28 - 29 Tết, em tranh thủ cùng mẹ đi chợ sắm Tết và chúc Tết bà con hàng xóm, người thân. Mỗi khi đi chúc Tết, em không quên dặn dò người thân, hàng xóm đến nhà em chơi Tết với mẹ, để mẹ vơi đi bớt nỗi nhớ con gái trong những ngày con đi làm xa trong dịp Tết”, Kim Huệ cho biết.
Còn với anh Trần Trung Kiên, 6 năm nay, anh đã có thói quen đi chúc Tết sớm người thân, bắt đầu từ ngày 28 Tết. Năm đầu tiên, thấy cả nhà anh đến chúc Tết sớm, ai cũng ngạc nhiên. Tuy nhiên, sau khi hiểu được việc phải đi làm tour xuyên Tết, khi đó gia đình anh đều nhận được sự thông cảm. Từ đó, người thân của anh cũng có “thói quen” đón Tết sớm cùng gia đình anh.
Theo anh Kiên, nghề hướng dẫn viên được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều vùng văn hóa khác nhau và nâng cao kiến thức cuộc sống, các mối quan hệ xã hội rộng hơn, hiểu hơn nhiều ngành nghề khác từ các khách hàng của mình... nhưng sự ngóng trông của người thân ở nhà mỗi dịp Tết cũng khiến người làm nghề phải suy nghĩ. “Tuy nhiên, với tôi, mỗi lần đón Tết xa nhà đều mang âm hưởng: Đi để trở về bên gia đình”, anh Kiên chia sẻ.