Hiểu hơn về giá trị hòa bình
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, những câu chuyện về các thương binh, người có công, Mẹ Việt Nam anh hùng sẽ không bao giờ kể hết, nhưng đó lại là những câu chuyện thật, thể hiện phẩm chất con người Việt Nam, những người lính bộ đội Cụ Hồ.
"Tổ quốc chúng ta hôm nay có được hoà bình, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, cơ đồ, tiềm lực uy tín thì các thế hệ cha anh chúng ta đã phải đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, xương máu", ông Nguyễn Văn Nên nói.
"Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, cũng như các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trước đó, không thể thống kê hết sự hy sinh. Thống kê gần đây nhất đối với 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cả nước có hơn 1,1 triệu liệt sĩ, gần 130.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 800.000 thương binh, bệnh binh; gần 13.000 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động; gần 111.000 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, giam cầm, tra tấn. Đến nay vẫn còn hơn 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt; hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính. Ngoài ra, có hơn 4 triệu người dân đã chết, chịu thương tật suốt đời do bom đạn chiến tranh. Chúng ta nhắc lại con số đó để thấy rằng cái giá của hòa bình, độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân là vô cùng to lớn, không có thể đong đo đếm được”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Cũng theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai tích cực và có hiệu quả các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công, thương binh, Mẹ Việt Nam anh hùng... từ đó, nhân rộng thành hoạt động thường xuyên trong Đảng bộ, nhân dân và trở thành hành động sống của mỗi người. Đặc biệt, để chung tay chăm lo cho người có công, gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng đã có những việc làm thiết thực, âm thầm lặng lẽ đóng góp vật chất, tinh thần để giúp người có công ổn định cuộc sống.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh luôn trân trọng và biểu dương những đóng góp, hy sinh cao cả của những Anh hùng, liệt sĩ, thương binh, các gia đình chính sách cho hòa bình của dân tộc. Những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra giúp mỗi người hiểu sâu sắc hơn giá trị của hoà bình. Vì vậy, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã nhận được sự quan tâm và tham gia của toàn xã hội, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hoá, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái, nghĩa tình của nhân dân thành phố nói riêng và mỗi con người Việt Nam nói chung.
Chăm lo mọi mặt cho người có công
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 38.500 người có công, trong diện chính sách nhận hỗ trợ hàng tháng của Nhà nước được các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, cộng đồng xã hội chia sẻ, hỗ trợ, chăm sóc, phụng dưỡng thường xuyên. Những người có công này được các đoàn thể, ban ngành chăm lo, hỗ trợ bằng những hành động thiết thực tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng người, từng nơi. Tuy nhiên, có thể nói, việc chăm lo chính sách cho thương binh, liệt sĩ, người có công với đất nước dù có nỗ lực đến bao nhiêu cũng không thể nào có thể chu toàn như mong muốn. Tuy nhiên, các gia đình chính sách tại TP Hồ Chí Minh cũng đã thấu hiểu và vẫn nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh để xứng danh là người lính Cụ Hồ.
"Mỗi lần chúng ta kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ không chỉ để tưởng nhớ, nhắc về công ơn của những người con ưu tú trên mọi miền Tổ quốc đã hy sinh xương máu và một phần thân thể của mình cho nền độc lập dân tộc, mà chúng ta còn dặn lòng mỗi người hãy sống, cống hiến sao cho xứng đáng với các thế hệ cha anh đã từng ngã xuống vì hòa bình hôm nay", Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nói.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị lãnh đạo và các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội phải tiếp tục phát huy truyền thống "Thành phố nghĩa tình", luôn đặt sự ưu tiên chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với nước, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, xem đó là đạo lý, bổn phận làm người; đồng thời qua đó tiếp tục tăng cường giáo dục truyền thống đạo đức cách mạng, đạo đức làm người cho thế hệ trẻ, để các em, các cháu nhận thức sâu sắc rằng các thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu, hoàn thành độc lập, tự do cho Tổ quốc thì các thế hệ đi sau tiếp tục có bổn phận, quyết tâm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày càng cường thịnh.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị các sở, ban ngành, địa phương trên toàn thành phố tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi, đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ cho người có công và thân nhân; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công và thân nhân.
Ông cũng đề nghị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh phối hợp Hội Cựu chiến binh và Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cũng như các cơ quan hữu quan đăng ký một chương trình hành động để hướng đến Kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30/4/2025. “Chương trình Kỷ niệm 50 năm này phải thực hiện bằng những công trình cụ thể. Trước mắt, các đơn vị, sở ngành cần quyết tâm giải quyết dứt điểm những hồ sơ, chính sách cho những người có công còn tồn đọng, không để ai còn sót lại phía sau mà chưa được hưởng chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước”, ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu.