Chuyện về nữ biệt động duy nhất tham gia trận đánh vào Dinh Độc Lập

Mặc dù là phụ nữ, nhưng nữ biệt động Sài Gòn Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa) luôn kề vai, sát cánh cùng các đồng đội trên mọi mặt trận trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 cũng như Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chú thích ảnh
Cô Chính Nghĩa (thứ ba từ phải sang) cùng các đồng đội ôn lại kỉ niệm tại căn hầm chứa vũ khí bí mật để đánh trận Dinh Độc Lập năm 1968. 

Giấu gia đình tham gia cách mạng

Gặp chúng tôi trong một lần trở lại căn cứ xưa là căn hầm bí mật chứa vũ khí dùng để đánh vào Dinh Độc Lập trong Tết Mậu Thân 1968 (nay là Bảo tàng Biệt động Sài Gòn), cô Chính Nghĩa không khỏi bồi hồi, xúc động nhớ về thời gian được giác ngộ cách mạng năm xưa và trận đánh để đời vào Dinh Độc Lập năm 1968. 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 8 anh chị em tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), cha mất khi mới lên 2 tuổi, một mình mẹ cô Chính Nghĩa phải tần tảo nuôi các con. Dù có đến 8 người con, nhưng mẹ cô Chính Nghĩa vẫn cùng các bà mẹ khác góp sức cho kháng chiến bằng những bữa cơm và tiếp tế lương thực cho bộ đội.

Chú thích ảnh
Căn nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu đang treo ảnh các chiến sỹ Đội 5 Biệt động Sài Gòn. Nơi đây có căn hầm bí mật cất giữ gần 2 tấn vũ khí của Biệt động Sài Gòn dùng để tấn công vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968, nay được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia. 

Ngay từ nhỏ, cô bé Chính Nghĩa đã nhanh nhẹn, thông minh. Khi các dì, các mẹ ở Củ Chi biểu tình đấu tranh chống địch, chẳng cần ai bảo, cô đã đi mua mía về tiếp tế. “Con bé 7 tuổi ngày đó cong lưng đạp xe chở cả vác mía lớn đã được chặt gọn gàng rồi vừa phát cho từng người vừa nói: 'mấy dì cầm mía, vừa làm vũ khí đánh giặc vừa để giải khát nghen'. Sau này, các mẹ, các dì ở Củ Chi cứ nhắc mãi chuyện về con nhỏ Chính Nghĩa. Lớn lên giữa không khí cách mạng, năm 1960, khi mới 12 tuổi, tôi đã làm giao liên cho cán bộ hoạt động bí mật tại xã. Ngày đó, nhà nhà, người người ở Củ Chi theo cách mạng nên bị đàn áp, ruồng bố triền miên. Địch liên tục đốt nhà, giết những người theo cách mạng và hãm hiếp các cô gái trẻ. Ngôi nhà lá của gia đình bị giặc đốt đến 5 lần, cứ dựng lên, chúng lại đốt", cô Chính Nghĩa kể lại.

Đến năm 1964, người thanh niên Nguyễn Văn Trỗi bị chính quyền Mỹ đưa ra xử bắn sau khi đặt mìn ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara không thành đã dấy lên phong trào tòng quân giết giặc của thanh niên ở khắp mọi làng quê của miền Nam Việt Nam. Cái chết đầy anh dũng của anh Nguyễn Văn Trỗi đã làm động lực cho người con gái đất thép nung nấu ý định tham gia vào đội biệt động Sài Gòn. Gần một năm sau, Đội 5 của Biệt động Thành hoạt động tại Củ Chi tìm kiếm một cô gái dũng cảm tham gia vào đội. Đây là nhiệm vụ rất nguy hiểm với phụ nữ nên tiêu chuẩn tìm người rất khắt khe. Cuối cùng, Vũ Minh Nghĩa được chọn. Ngày 15/4/1965, Vũ Minh Nghĩa chính thức trở thành nữ Biệt động Sài Gòn dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Nguyễn Thanh Xuân (bí danh Bảy Bê). Năm đó cô vừa tròn 18 tuổi.

Vào Đội 5, Chính Nghĩa được giao nhiều nhiệm vụ như làm liên lạc, vận chuyển thư từ, vũ khí trong nội và ngoại thành. Có những ngày, cô đi lại như con thoi theo lộ trình Sài Gòn - Thủ Đức - Củ Chi trong khi đồn bốt địch bủa khắp nơi. Nhanh nhẹn và gan dạ cô được anh em trong Đội 5 khi đó gọi là “chiến sĩ tên lửa”.

Chú thích ảnh
Cô Chính Nghĩa khi còn trẻ. Ảnh: NVCC

Cô Chính Nghĩa cho biết: “Khi tham gia cách mạng, tôi thường xuyên “đóng cặp" là vợ chồng với Đội trưởng Đội 5 Biệt động Sài Gòn là đồng chí Bảy Bê để che mắt địch khi đi công tác, do thám tình hình. Do nhanh nhẹn nên tôi được Đội trưởng Bảy Bê chỉ dạy cho rất nhiều kinh nghiệm hoạt động bí mật. Chẳng biết từ bao giờ giữa chúng tôi đã nảy sinh một tình yêu trong sáng và rất đẹp, nhất là trong những lần vào sinh ra tử, giáp mặt với kẻ thù. Khi hòa bình lập lại, chúng tôi mới được nên duyên vợ chồng chính thức với nhau”.

Mặc dù hoạt động cách mạng từ sớm nhưng gia đình Chính Nghĩa vẫn không biết cô theo cách mạng. Cô nhớ lại: "Mỗi đợt vào nội thành hoạt động, tôi thường nói dối mẹ và tôi rất sợ bà bắt gặp. Tuy nhiên, không ngờ hôm lái xe về Củ Chi, bị địch ruồng bố khắp các ngả đường chính, tôi thạo đường đi ở quê nên tìm cách đưa xe băng đồng, luồn lách theo đường mòn mà đi, ai ngờ xe bị mắc lầy. Lúc này có chiếc xe ngựa chở dân ra chợ nên Bảy Bê nhờ đẩy giúp, tôi thót tim khi nhìn thấy má cũng đang ngồi trên xe. Tôi nói anh Bảy Bê hay, rồi giả vờ nằm sau xe lấy nón lá che mặt. Mẹ tôi thấy con gái, nhưng giả đò đau tay không tham gia đẩy xe “bọn nhà giàu”… Tôi bị má mắng cho một trận nên thân vì nói dối và làm việc “quá nguy hiểm”.

Trận đánh để đời

Sau nhiều lần sinh tử có nhau, tháng 6/1966, đồng chí Bảy Bê bị địch bắt, chúng dùng đủ mọi cực hình tra tấn nhưng không khai thác được gì nên đày ông ra Côn Đảo. Chính Nghĩa tiếp tục ở lại cùng Đội 5 biệt động chiến đấu cùng đồng đội. Thời gian này, cô Chính Nghĩa đã có một trận đánh để đời để làm tiền đề cho Chiến thắng mùa Xuân năm 1975.

Cô Chính Nghĩa nhớ lại: "Theo kế hoạch, đội biệt động của tôi do đồng chí Tô Hoài Thanh chỉ huy đánh vào Dinh Độc Lập và giữ trận địa trong khoảng 20 đến 30 phút chờ quân chi viện tới. Đây là một mục tiêu quan trọng, nằm trong nội đô và được bảo vệ nghiêm ngặt. Mỗi động thái khác thường quanh mục tiêu sẽ bị địch kiểm tra và sẵn sàng bắn hạ".

Rạng sáng mùng 2 Tết, 15 chiến sĩ biệt động đi trên 3 xe tải nhỏ và 2 xe máy tiến vào cổng sau Dinh Độc Lập, trong số đó duy nhất có một người phụ nữ là Chính Nghĩa. Chiếc xe tải đi đầu nhanh chóng tiêu diệt chốt gác, đặt thuốc nổ phá cổng. Tuy nhiên, khối thuốc không nổ, lực lượng biệt động bị mắc kẹt ở cổng, 5 chiến sĩ hy sinh ngay khi trèo qua tường rào...

Chú thích ảnh
Cô Chính Nghĩa (bìa phải) và vợ ông Trần Văn Lai cùng trò chuyện với bạn bè từ Đà Nẵng vào thăm căn hầm chứa vũ khí bí mật đánh trận Dinh Độc Lập vào năm 1968. 

Không thể tiến công vào trong, các chiến sĩ biệt động chiến đấu ngay bên ngoài cổng. Gần 40 phút cầm cự vẫn chưa thấy có quân ta tiếp viện, cả Đội 5 dồn lực quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trận đánh đó mãi là một ký ức không thể nào quên với Chính Nghĩa, bởi hôm đó cô chứng kiến những đồng đội thân thương của mình ngã xuống, trong đó có đội trưởng Tô Hoài Thanh hy sinh ngay trên cánh tay bà. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa 15 chiến sĩ biệt động với hàng trăm tên địch diễn ra trong 2 đêm 1 ngày, 8 đồng chí của cô hy sinh, 6 đồng chí khác bị thương và bị địch bắt sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng; trong số đó có chiến sĩ biệt động Vũ Minh Nghĩa.

Sau trận đánh vào Dinh Độc Lập, cô Chính Nghĩa đã bị bắt, dù cô bị tra tấn rất tàn bạo, dã man nhưng người con gái đất thép vẫn quyết không khai nửa lời. Vì vậy chúng đã giam cô từ nhà tù Tổng nha Cảnh sát đến Thủ Đức, Biên Hòa, Chí Hòa và cuối cùng đưa đến “địa ngục trần gian” - nhà tù Côn Đảo. Năm 1974, cô Chính Nghĩa được trả tự do. Một lần nữa, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, cô lại được lệnh đánh vào Dinh Độc Lập nhưng khi mọi việc đang tiến hành thì mọi người vỡ òa sung sướng khi hay tin Tổng thống chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng.

Chú thích ảnh
Cô Chính Nghĩa cùng con cháu thăm căn hầm chứa vũ khí bí mật tại Quận 3. Căn hầm này từng là nơi cất giấu hơn 2 tấn vũ khí, gồm 350kg thuốc nổ TNT, thuốc nổ C4, 15 súng AK và 3.000 viên đạn, súng ngắn, súng B40, lựu đạn…

Từ những đóng góp của cô trong thời gian tham gia chiến tranh giải phóng đất nước, cô Chính Nghĩa đã được nhà nước phong tặng Huân chương chiến công hạng Ba và nhiều Bằng khen khác. Hiện nay, cô Chính Nghĩa đang sống cùng con cháu ở quận Gò Vấp và tích cực tham gia các hoạt động phục dựng, giao lưu kể chuyện về cuộc chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ Đội 5 Biệt động Sài Gòn trong trận Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, là tiền đề để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Về nơi nuôi giấu chiến sỹ Biệt động Sài Gòn năm xưa trong ngày Tết độc lập 2/9
Về nơi nuôi giấu chiến sỹ Biệt động Sài Gòn năm xưa trong ngày Tết độc lập 2/9

Lọt thỏm giữa những tán cây um tùm xanh mát trong Thảo cầm viên Sài Gòn (quận 1), ít ai biết và để ý đến ý nghĩa của quán Nhan Hương. Trước kia, nơi đây từng là một "căn cứ" hoàn hảo của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong những năm từ 1963-1975, từng là nơi truyền tin, nuôi giấu cán bộ cách mạng, hội họp cán bộ để chuẩn bị cho các trận đánh vào Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu...trong Tết Mậu Thân 1968 và nơi chuẩn bị công tác đón quân giải phóng miền Nam năm 1975.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN