Chuyện giờ mới kể ở các phiên xử đại án

Là những phóng viên TTXVN - cơ quan báo chí duy nhất được đặc trách vào phòng xử để đưa tin xét xử một số vụ đại án - chúng tôi may mắn được chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động, đầy tính nhân văn cũng như những khó khăn, vất vả và nỗ lực của Hội đồng xét xử (HĐXX), thư ký phiên tòa, kiểm sát viên, lực lượng cảnh sát, bảo vệ...

Phóng viên TTXVN trao đổi với thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân (chủ tọa phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại PVC) ngay sau khi tuyên án.

Điều “khó nói” của Hội đồng xét xử 


Phiên tòa xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) diễn ra vào những ngày đầu tiên của năm 2018. Đây là vụ án đầu tiên được Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội triển khai áp dụng theo Thông tư số 01 của TAND Tối cao quy định về phòng xử án. Theo đó, HĐXX ngồi trên cùng, ở vị trí cao nhất. Đại diện Viện Kiểm sát (VKS) và luật sư bào chữa ngồi đối diện nhau. Khi khai báo trước tòa, các bị cáo đứng trước bục mà không phải đứng trước vành móng ngựa... 


Mặc dù đã có sự chuẩn bị cho phòng xét xử theo thể thức mới, song vào thời điểm khai mạc phiên tòa (ngày 8/1/2018), mới chỉ có bàn của HĐXX được chuyển đến, còn ghế chưa lắp xong nên phải sử dụng lại ghế cũ, thấp hơn nhiều so với chiều cao của chiếc bàn mới. Khi ngồi, các thành viên trong HĐXX phải thường xuyên gồng tay đặt lên bàn nên rất mỏi, 2 bên bả vai đau nhức sau mỗi phiên xử. Qua vài ngày “chịu đựng”, các thẩm phán và hội thẩm nhân dân tạm thời khắc phục bằng cách mang đến 1 cái đệm ghế để ngồi lên cho cao tương xứng với bàn. 


Tương tự tình trạng của HĐXX, ghế của kiểm sát viên cũng chưa có nên phải lấy ghế băng ngồi tạm. So với bàn của kiểm sát viên, ghế này vừa thấp lại vừa không có chỗ tựa nên rất mỏi khi phải ngồi suốt cả ngày trong hàng tuần. Đó là còn chưa kể đến chuyện 3 vị kiểm sát viên ngồi chung 1 chiếc ghế băng, có người cao, có người thấp nên chẳng biết phải kéo lại gần hay đưa ghế ra xa cho phù hợp với từng người. Sau này, các công tố viên đành phải lấy ghế trong phòng làm việc để ngồi tạm cho có chỗ tựa và để mỗi người chủ động kê ghế cho phù hợp với mình. 


Ở TAND TP Hà Nội, mỗi thẩm phán có một thư ký, đặc trách giải quyết công việc về tố tụng, hồ sơ... cho các thẩm phán. Thông thường thư ký tại các phiên tòa là thư ký của vị thẩm phán chủ tọa. Riêng tại các phiên tòa xét xử đại án này, TAND TP Hà Nội bố trí 2 thư ký. Cùng với thư ký của vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa, tòa còn ưu tiên bố trí thêm 1 thư ký khác dầy dặn kinh nghiệm chuyên môn, đã từng tham gia nhiều phiên tòa lớn, có khả năng giải quyết tình huống phát sinh đột xuất tại phiên tòa... Họ đến đầu tiên để chuẩn bị mọi thứ liên quan và là người ra về sau cùng sau khi phiên tòa kết thúc. 

Thẩm phán Trương Việt Toàn (trái) chia sẻ những điếu thuốc lá với bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) sau khi kết thúc phiên xử.

Sự nghiêm minh và tính nhân văn 


Hình ảnh thường thấy trong các phiên tòa xét xử là các vị thẩm phán với vẻ mặt nghiêm túc có phần hơi lạnh lùng. Song thực tế khi kết thúc phiên xử, ra bên ngoài, các thẩm phán trong những phiên xử đại án nói riêng, thẩm phán của TAND TP Hà Nội nói chung đều phần lớn để lại cho người đối diện mối thiện cảm bởi sự hòa nhã, dễ gần, nhẹ nhàng, tình cảm... Sau mỗi phiên tòa, mặc dù rất bận và khá mệt, nhưng các thẩm phán đều dành thời gian cho nhóm phóng viên TTXVN chúng tôi để trao đổi, phân tích, làm rõ nghĩa một số nội dung trong bản án, giúp chúng tôi nắm bắt và thông tin chính xác hơn những diễn biến phiên tòa cũng như tinh thần phán quyết của tòa án. Từ đó, khẳng định sự chuẩn xác cũng như vai trò định hướng trong thông tin của TTXVN. 


Không chỉ thân thiện với nhóm phóng viên chúng tôi, các thẩm phán cũng dành sự chia sẻ nhất định đối với những người tham gia tố tụng, các bị cáo trong vụ án. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) cùng đồng phạm trong sai phạm xảy ra tại OceanBank, sau phiên tòa, thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh Tòa Hình sự, TAND thành phố Hà Nội) đã xuống khu vực dành cho bị cáo, động viên, chia sẻ những điếu thuốc lá với bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) và bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên TGĐ OceanBank). 


Cũng tại những phiên tòa này, một số bị cáo do bệnh tật, ốm đau như: Phan Thị Lan (nguyên GĐ OceanBank chi nhánh Hà Tĩnh), bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh), Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC)... được HĐXX cho đặc cách ngồi ở dãy ghế phía sau hàng ghế bị cáo, có chỗ tựa lưng, để giảm bớt mệt mỏi trong quá trình nhiều ngày diễn ra phiên tòa. Sự gần gũi, lắng nghe, chia sẻ... của HĐXX đã góp phần tạo nên những phiên tòa dân chủ, khách quan, công tâm. 


Đặc cách chưa phải là dễ 


Trong các vụ đại án như thế này, công tác an ninh được đặt lên hàng đầu. Khu vực trong và ngoài phòng xử bị phá sóng di động, tất cả những người tham gia phiên tòa đều phải qua cổng soi chiếu để kiểm tra an ninh, các luật sư không mang máy tính riêng mà sử dụng máy tính do tòa cung cấp... Quá trình làm việc tại phiên tòa, lực lượng cảnh sát luôn phải “căng như dây đàn”. Nhất là trong giờ giải lao, các đồng chí cảnh sát phải áp sát, kiểm soát cả về hành vi và lời nói của các bị cáo, không để xảy ra tình trạng “chỉ đạo ngầm” giữa bị cáo với luật sư, giữa bị cáo với người nhà hoặc giữa các bị cáo với nhau khi tìm cách nhắn nhủ những thông tin mang tính chất thông cung nhạy cảm. 


Đặc biệt, việc trích xuất và dẫn giải bị cáo từ trại tạm giam đến tòa án được tổ chức rất chặt chẽ. Giờ dẫn giải các bị cáo cũng phải chọn sao cho vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các bị cáo, vừa tránh tắc đường, nhất là vào thời điểm đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, khi mật độ người tham gia giao thông tăng đột biến. 


Vào đến sân tòa án, việc dẫn giải các bị cáo lên phòng xử cũng được thay đổi hàng ngày. Còn nhớ tại phiên khai mạc xét xử vụ góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào OceanBank vào sáng 19/3/2018. Hai phóng viên ảnh và hai quay phim của TTXVN được tòa án đặc cách cho vào sân tòa từ trước khi đoàn xe dẫn giải bị cáo đến. Vẫn nghĩ như mọi lần, bị cáo xuống xe sẽ lên phòng cách ly theo lối cầu thang phía ngoài sân, nên các phóng viên ảnh, quay phim của TTXVN đều cùng đứng chờ và hướng ống kính về phía đó. Tuy nhiên, bất ngờ là trong lần dẫn giải này, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) lại không được dẫn giải lên hướng đó mà lặng lẽ đi theo lối vào phía trong khu xét xử của tòa án. Rất nhanh chóng, phóng viên ảnh Doãn Tấn đã lập tức chuyển hướng và kịp thời “bắt” được hình ảnh bị cáo Đinh La Thăng đi giữa hai chiến sĩ cảnh sát dẫn giải với gương mặt căng thẳng cho lần thứ hai hầu tòa. Đó là tấm ảnh dẫn giải duy nhất của TTXVN mà không một cơ quan báo chí nào có được. 


Có cơ hội được chứng kiến những câu chuyện ít người biết, được lắng nghe, trải nghiệm, rèn luyện qua nhiều tình huống phát sinh trong quá trình tác nghiệp... đó là những kinh nghiệm quý báu của chúng tôi - những phóng viên TTXVN. 


Kim Anh - Nguyễn Cúc
Xét xử phúc thẩm vụ án tại PVC: Y án sơ thẩm với bị cáo Đinh La Thăng
Xét xử phúc thẩm vụ án tại PVC: Y án sơ thẩm với bị cáo Đinh La Thăng

Chiều 14/5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ án “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN