Ấm áp giảng đường nơi biên cương 'xóa mù chữ' cho phụ nữ dân tộc

Vào tối thứ 2 và thứ 4 hàng tuần, những người phụ nữ Pa Cô, Vân Kiều ở xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đèn pin treo trên trán, tay ôm sách vở, lại đến lớp học "xóa tái mù chữ" do các thầy giáo quân hàm xanh đứng lớp.

Video lớp học giữa biên cương:

Đi học để biết con chữ, phép cộng giản đơn

Dù đã ở tuổi 62, nhưng bà Y Hên, dân tộc Vân Kiều ở thôn Loa, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa vẫn rất ham học tập. Sau mỗi buổi lên nương, chiều đến bà tranh thủ về sớm để làm cơm tối cho gia đình. Cơm nước xong xuôi, bà Y Hên lại soạn sách vở, bút chì, bảng, phấn cho vào túi nilon, thêm chiếc đèn pin treo trước trán, đi bộ đến Trường Tiểu học và THCS xã Ba Tầng cách nhà hơn 3km để học chữ.

Không riêng gì bà Y Hên, thôn Loa xã Ba Tầng có khoảng 20 chị em là đồng bào dân tộc Vân Kiều cùng ham mê đi học. Họ có chung suy nghĩ, đó là phải biết chữ, phải đọc được tiếng Việt, biết làm những phép toán đơn giản để khi bán buồng chuối, mớ rau còn biết cộng, trừ, nhân, chia để không bị kẻ gian lừa tiền, ép giá khi mua bán nông sản.

Chú thích ảnh
Thượng úy Hồ Văn Hữu - Thầy giáo quân hàm xanh đến lớp dạy chữ cho chị em phụ nữ đồng bào Pa Cô, Vân Kiều xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).
Chú thích ảnh
Bà Y Hên (bên phải ảnh), dân tộc Vân Kiều ở thôn Loa, xã Ba Tầng, năm nay đã 62 tuổi nhưng vẫn rất ham học con chữ Bác Hồ.
Chú thích ảnh
Thầy giáo Hồ Văn Hữu trong giờ lên lớp.

Chị Y Minh, người cùng thôn với bà Y Hên cũng có chung suy nghĩ như vậy. Dù chênh lệch về tuổi tác, nhưng cứ đến tối, đôi bạn người trẻ - người già cùng tiến, cắp sách đến trường học con chữ Bác Hồ.

Chị Y Minh cho biết: “Chúng tôi là đồng bào dân tộc, cuộc sống nơi biên giới vốn đã khó khăn lại mù chữ nên vất vả lắm. Nhiều khi cán bộ thôn bản đến nhà nói chuyện, vận động trẻ con đi học mà mình lại không biết chữ, không biết dạy con, nghĩ xấu hổ với trẻ con”.  

Cô giáo Hồ Thị Sấp, người Vân Kiều,  giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ba Tầng,  với tinh thần thanh niên tình nguyện, đã cùng các chiến sĩ biên phòng tham gia đứng lớp dạy học miễn phí.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Cô giáo Hồ Thị Sấp tham gia dạy chữ cho chị em phụ nữ xã Ba Tầng ở lớp "xóa tái mù chữ".
Chú thích ảnh
Thượng úy Hồ Văn Hữu và cô giáo Hồ Thị Sấp trong một giờ lên lớp.

“Ban đầu nhìn mọi người cầm viên phấn còn run rẩy, cầm cây bút còn ngược, đánh vần mãi không xong tôi thương các mế lắm. Cầm tay uốn từng nét chữ, sau này các chị, các mế, các bà bắt đầu viết được chữ a, chữ b, biết làm những phép toán đơn giản tôi thấy rất vui. Tôi mừng vì các bà, các mế đã biết đọc, biết viết”, cô giáo Hồ Thị Sấp tâm sự.

Cuộc vận động có một không hai

Thượng úy Hồ Văn Hữu - Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ba Tầng (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) cho biết: Nhớ lại những ngày đầu đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động chị em phụ nữ, nhất là những người trung niên và cao tuổi đến lớp, đến trường rất khó khăn. Không chỉ các chị, các mẹ, các bà ngại đi học, mà chính các ông chồng cũng không muốn cho vợ đi học. Họ sợ vợ, con đi học về lại giỏi hơn mình, sợ không nói được vợ nên các ông chồng không muốn cho đi.

“Chúng tôi đã vận động và phân tích có trước, có sau nên nhiều ông chồng đã đồng ý cho vợ đi học. Vì lớp học diễn ra vào buổi tối, thời gian học từ 19h15 phút đến 21h15 phút nên các ông chồng đã tình nguyện dùng xe máy đưa vợ đến trường và chờ vợ học xong đón về. Nhìn những cặp đôi uyên ương trên những chiếc xe máy nhấp nhô theo ánh sáng đèn xe khuất dần trong màn đêm của núi rừng, chúng tôi vui vì bà con ham học tập”, Thượng úy Hồ Văn Hữu kể lại trong niềm xúc động.

Chú thích ảnh
Thượng úy Hồ Văn Hữu hướng dẫn cách viết chữ cho bà Y Hên.
Chú thích ảnh
Bà Y Hên là người cao tuổi nhất (62 tuổi) trong lớp học "xóa tái mù chữ".

Lớp học “xóa tái mù chữ” này là sáng kiến của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Tầng và Hội phụ nữ xã Ba Tầng cùng chung tay gây dựng với mong muốn phổ cập giáo dục cho chị em phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số.

Trung tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng cho biết: Nhờ có lớp học “xóa tái mù chữ” mà nhiều chị em từ chỗ không biết tiếng phổ thông, nay đã biết đọc, biết viết, biết làm những phép toán đơn thuần. Có chị sau khi học xong lớp “xóa tái mù chữ” còn biết sử dụng điện thoại để livestream bán hàng online trên mạng xã hội.

Để minh chứng cho câu chuyện này, Trung tá Trần Đức Tứ đưa chúng tôi đến nhà chị Hồ Thị Thông, thôn A Dơi Đớ. Trong ngôi nhà gỗ khang trang thoáng mát do 2 vợ chồng tích cóp qua bao mùa nương rẫy, chị Hồ Thị Thông dù nói tiếng phổ thông còn lơ lớ nhưng rất mạnh dạn giới thiệu trang Facebook cá nhân của mình với du khách, giới thiệu về những mặt hàng mà chị kinh doanh.

Chú thích ảnh
Mặc dù lớp học diễn ra vào các buổi tối nhưng không chị em nào vắng mặt.
Chú thích ảnh
Nhiều chị em còn chưa quen viết bảng và phấn nên Thượng úy Hồ Văn Hữu đã phải cầm tay hướng dẫn viết từng con chữ. 

Trung tá Trần Đức Tứ cho biết: Qua công tác nắm tình hình trên địa bàn, nhận thấy chị em phụ nữ ở các xã vùng biên chưa biết chữ, tái mù chữ chiếm khá cao, nhất là số chị em là người CHDCND Lào lấy chồng người Việt, mới nhập tịch về Việt Nam từ năm 2019 chưa biết chữ rất nhiều, Bộ đội Biên phòng đã mở lớp dạy chữ cho chị em.

Theo đó, từ tháng 11/2021 đến nay đã mở được 5 lớp “xóa tái mù chữ” với 172 học viên đăng ký tham gia. Trong đó có 2 lớp với 65 học viên ở thôn A Dơi đã bế giảng và kết thúc chương trình khóa học từ tháng 4/2022. Hiện nay các chiến sĩ Biên phòng và Hội phụ nữ xã Ba Tầng đang duy trì 3 lớp với 107 học viên mới khai giảng và khóa học sẽ kéo dài trong 6 tháng.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Lớp học “xóa tái mù chữ” này là sáng kiến của các chiến sĩ biên phòng và Hội phụ nữ xã Ba Tầng nhằm phổ cập giáo dục cho chị em trong xã.
Chú thích ảnh
Hết giờ học, Thượng úy  Hồ Văn Hữu lại soi đèn đưa các chị, các mẹ về nhà an toàn.

Việc triển khai các lớp “xóa tái mù chữ” nơi biên cương trong thời gian qua nhận được sự đồng tình ủng hộ của cấp ủy và chính quyền địa phương đánh giá cao. Thông qua lớp học, phần nào đã cải thiện và nâng cao trình độ dân trí, góp phần vào xây dựng xã hội học tập trên địa bàn khu vực biên giới, xây dựng biên cương Tổ quốc vững mạnh, an toàn.  

Mục tiêu của những lớp học “xóa tái mù chữ” là giúp chị em phụ nữ biết đọc, biết viết, làm được phép toán cơ bản trong phạm vi hàng nghìn. Lớp học triển khai 2 - 3 buổi/tuần do 3 cán bộ chiến sĩ Biên phòng phối hợp với Hội phụ nữ các xã đảm nhiệm là giáo viên chủ nhiệm, trực tiếp tham gia lên lớp giảng dạy tại các điểm trường.
Bài, ảnh, video: Viết Tôn/Báo Tin tức
Xóa mù chữ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa ở Cao Bằng
Xóa mù chữ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa ở Cao Bằng

Cao Bằng là tỉnh có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng. Các thôn bản vùng sâu, vùng xa vẫn còn những người dân chưa biết chữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN