Nguy cơ các chủng virus cúm gia cầm và nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhiễm từ nước ngoài lây lan rất cao.
Trước thực tế trên, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt là tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm vào địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của dịch cúm gia cầm và hướng dẫn biện pháp phòng, chống để người dân biết, chủ động thực hiện.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương triển khai biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và kiểm soát vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật; chủ động kiểm tra, lấy mẫu giám sát sự lưu hành của virus cúm gia cầm tại khu vực nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh.
Các Đồn Biên phòng tại tuyến biên giới Nghệ An tiếp giáp với Lào đang phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt ở cửa khẩu, đường mòn, lối mở kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hoạt động nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm.
Nghệ An có đường biên giới đất liền dài nhất nước với 468 km. Tỉnh cũng là địa phương có lượng lớn đàn gia súc, gia cầm, trong đó đàn trâu bò khoảng 788.973 con, đàn lợn 959.033 con, đàn gia cầm 34.089 nghìn con. Tại một số địa phương khu vực biên giới, các hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới thường diễn ra.
Trong khi đó, tại Nghệ An đang là thời điểm giao mùa, dịch bệnh trên đàn vật nuôi khá phức tạp. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết trên địa bàn xuất hiện 7 ổ dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 4 huyện là Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp; 2 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 ở huyện Yên Thành, thành phố Vinh có 2.845 con gia cầm chết và tiêu hủy…