Kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển trái phép gia cầm vào Việt Nam

Ngày 4/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Chú thích ảnh
Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu nhằm ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm vào trong tỉnh. Ảnh tư liệu: Nhựt An/TTXVN

Theo phản ánh của các cơ quan truyền thông và người dân, thời gian qua tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn ra khá phức tạp tại các địa phương có chung biên giới với các nước, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, đây có thể là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ các  virus cúm gia cầm thể độc lực cao và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam, lây lan sang các địa phương khác, đặc biệt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước và sức khỏe người dân.

Để chấm dứt ngay tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn chặn các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhiễm vào Việt Nam, bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam.

Trường hợp bắt được các lô hàng gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay (trước khi tiêu hủy lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh) và có các biện pháp xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới. 

Các tỉnh, thành chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Ban chỉ đạo 389 của địa phương chủ động triển khai các hoạt động, giải pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào Việt Nam.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp và tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật hiện hành.

Lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam, gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Trong công văn gửi Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và phát triển cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với lực lượng chức năng của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở và tuyến biển. 

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới.

Với Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị lực lượng Bộ đội biên phòng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở.

Các đơn vị trong toàn quân tổ chức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cư dân khu vực biên giới trong phòng chống dịch, phòng ngừa gian lận thương mại và vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; hỗ trợ việc tiêu hủy khi có số lượng lớn gia cầm, sản phẩm gia cầm buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Mới đây, tại hội nghị Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới, theo đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, hiện nay đang có rất nhiều sản phẩm dùng làm thức ăn cho chăn nuôi như chân, đầu, cổ, cánh, lòng mề gia súc, gia cầm, thậm chí sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm…nhưng vẫn được tuồn vào thị trường Việt Nam làm thực phẩm cho con người.

Hiệp hội cũng kiến nghị cần các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, tập trung ngăn chặn, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới; trong đó có gà đẻ loại thải, tạo hành lang biên giới an toàn nhằm ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát và gây áp lực lên thị trường trong trong nước.

Bích Hồng (TTXVN)
Xuất khẩu thịt gia cầm có dấu hiệu hồi phục
Xuất khẩu thịt gia cầm có dấu hiệu hồi phục

Sau bước ngoặt lịch sử khi lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu chính ngạch thịt gà sang Nhật Bản, đến nay, Việt Nam đã đàm phán thành công xuất khẩu chính ngạch thịt gà sang Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc) và 5 nước thuộc liên minh kinh tế Á – Âu gồm: Nga, Belarrus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Đầu năm 2023, xuất khẩu thịt gia cầm đã có dấu hiệu hồi phục trở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN