Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, địa phương khắc phục ngay tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với thiên tai; tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến của mưa lũ, nhất là nguy cơ lũ lụt, sụt lún, sạt lở đất; kiên quyết di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, ưu tiên cao nhất cho việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương rà soát toàn diện các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ lụt, sụt lún, sạt lở đất; tập trung đặc biệt vào các tuyến giao thông quan trọng, các khu dân cư ven sông, suối, sườn dốc; kiểm tra, khơi thông dòng chảy, dòng thoát lũ trên các sông, suối, kênh mương.
Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo, về lâu dài trong các quy hoạch không bố trí, quy hoạch các khu dân cư ở các vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ sạt lở đất. Quá trình thiết kế, xây dựng các công trình, dự án, phải hạn chế việc đào đắp, làm biến dạng, thay đổi địa hình tự nhiên. Đặc biệt, các địa phương, đơn vị xử lý nghiêm những trường hợp san lấp mặt bằng trái phép, nhất là tại thành phố Gia Nghĩa; khắc phục ngay tình trạng “phạt cho tồn tại”.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, từ ngày 28/7 đến nay, địa bàn tỉnh liên tục có mưa to. Tổng lượng mưa đo được tại nhiều địa phương trong thời gian này khoảng 400mm, một số nơi trên 500mm. Lượng mưa lớn khiến nước tại các ao hồ, sông suối dâng cao, gây ngập úng và sạt trượt, sạt lở đất tại nhiều nơi; điển hình là tại hồ chứa nước Đắk N’ting (huyện Đắk G’long), đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Gia Nghĩa, tuyến tránh thành phố Gia Nghĩa và xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức), xã Đắk R’Moan (thành phố Gia Nghĩa).
Toàn tỉnh đã có 3 người thiệt mạng do nước lũ cuốn; gần 200 căn nhà bị ngập; hơn 600ha cây trồng và hơn 200ha mặt nước nuôi trồng thủy sản bị ngập, thiệt hại do mưa lũ. Tỉnh đã di dời gần 300 hộ dân từ các khu vực bị sạt lở, nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Ước tính thiệt hại do mưa lũ khoảng 250 tỷ đồng.