Công trình thủy điện Đrăng Phốk nằm trong Vườn quốc gia Yok Đôn, thuộc địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk hiện nay mới trong giai đoạn điều tra, đánh giá tác động môi trường, thế nhưng nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số trong khu vực đã không đồng tình với việc phá rừng nguyên sinh để làm thủy điện.
Vườn quốc gia Yok Đôn. Ảnh Internet. |
Theo kế hoạch, công trình thủy điện Đrăng Phốk được xây dựng trên dòng sông Sêrêpốk, với công suất 26 MW, do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới, Thành phố Hồ Chí Minh, làm chủ đầu tư. Đây là công trình thủy điện thứ 8 trên dòng sông Sêrêpốk, sau các công trình như buôn Tuôr Sar, buôn Kuốp, Hòa Phú, Dray H’Linh, Sêrêpốk 3, Sêrêpốk 4, Sêrêpốk 4A.
Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, để xây dựng công trình thủy điện này, chủ đầu tư có kế hoạch phá 63 ha rừng nguyên sinh, với nhiều loại cây gỗ lớn, lâu năm như cà chít, cẩm lai, bằng lăng, dầu, trong đó có 53 ha rừng đặc dụng bị phá, chiếm dụng vĩnh viễn và 10 ha giải tỏa sử dụng tạm thời. Các diện tích này là vùng lõi của Vườn quốc gia Yok Đôn, thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.
Ông Trần Văn Thành, quyền Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn cho biết, việc xây dựng công trình thủy điện Đrăng Phốk ngay trong vùng lõi của Vườn, ngoài việc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường, thay đổi môi trường sống của các loài thủy sinh còn gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Nhiều hộ đồng bào dân tộc ở xã Krông Na cũng cho rằng, phá vùng lõi của Vườn quốc gia Yok Đôn làm thủy điện, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, đời sống đồng bào thêm khó khăn, mà còn làm cho các khu rừng khác trong khu vực cũng thường xuyên bị đe dọa, các loài động vật hoang dã cũng không còn nơi cư trú...
Vườn quốc gia Yok Đôn có tổng diện tích trên 113.853 ha, trong đó có phân khu bảo vệ nghiêm ngặt với diện tích trên 72.006 ha, phân khu phục hồi sinh thái 35.501 ha, diện tích còn lại là phân khu dịch vụ hành chính. Vườn quốc gia Yok Đôn được thành lập nhằm bảo vệ hệ sinh thái rừng khộp (rừng thưa cây họ dầu chiếm ưu thế) - một loại rừng đặc hữu của Tây Nguyên - Việt Nam nói riêng và của cả vùng Đông Nam Á nói chung. Yok Đôn được ghi nhận có tầm quan trọng để bảo tồn nhiều loài động vật di cư thích nghi với sinh cảnh này như bò xám, bò rừng, voi rừng... Thế nên việc đánh đổi 63 ha rừng vùng lõi của Vườn quốc gia Yok Đôn để lấy công trình thủy điện trên có nên chăng?
Quang Huy