Ngày 10/9/2018, TAND tỉnh Thái Nguyên mở phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Ngô Văn Sơn (sinh năm 1978, Trung Nghĩa, Yên Phong, Bắc Ninh) và Lê Ngọc Hoàng (tên gọi khác là Vũ Văn Hoàng, sinh năm 1985, Thăng Long, Đông Hưng, Thái Bình) trong vụ container tông xe Innova lùi xe trên cao tốc.
Tại phiên xét xử, trả lời phần xét hỏi Hội đồng xét xử (HĐXX) bị cáo Hoàng cho biết, bị cáo không đồng tình với bản án sơ thẩm trước đó. Bởi trước khi xảy ra tai nạn bị cáo không thấy bị cáo Sơn bật xi nhan mà chỉ thấy đèn phanh nhấp nháy. Đồng thời, cả 2 bị cáo đã bình tĩnh khai nhận và trả lời rõ ràng trước những câu hỏi của HĐXX.
Tuy nhiên, do lời khai của các bị cáo tại Toà trong phiên phúc thẩm mâu thuẫn nhau, VKS đã yêu cầu HĐXX hoãn phiên toà để triệu tập giám định viên, điều tra viên và những người vẽ sơ đồ hiện trường để làm rõ sư việc. Sau khi nghị án, HĐXX chấp thuận đề nghị của VKS hoãn phiên toà để triệu tập những người liên quan đến vụ án.
Theo tài liệu của cơ quan chức năng, sáng ngày 19/11/2016, anh Ngô Văn Sơn điều khiển chiếc xe Toyota Innova mang BKS: 99A - 142.53 chở theo 10 khách di chuyển từ Bắc Ninh lên thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) để ăn cưới. Khoảng 15h30 cùng ngày, khi vừa đi qua lối ra khỏi đường cao tốc thuộc khu vực nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), Sơn đi chậm lại để hỏi đường. Lúc đó, bị cáo bật xi nhan phải, điều khiển ôtô vào lề đường ngoài cùng bên phải để cháu bé xuống nôn do say xe. Sau đó, Sơn lùi xe theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội để đi ra nút giao Yên Định thì bị chiếc xe đầu kéo mang BKS 89C - 079.17 kéo theo rơ moóc mang BKS: 89R - 004.65 do Lê Ngọc Hoàng (tài xế xe container) lái tông trúng và gây ra tai nạn thương tâm.
Theo cáo buộc, Sơn chở quá số người quy định. Ngoài ra, bị cáo còn vi phạm Luật giao thông đường bộ (GTĐB) khi điều khiển phương tiện đỗ, lùi xe trên đường cao tốc. Tại phiên sơ thẩm ngày 10/5, hai bị cáo trên đã bị TAND thị xã Phổ Yên xử phạt về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 3 Điều 202 của Bộ luật hình sự năm 1999 với mức hình phạt đối với bị cáo Sơn là 10 năm tù, bị cáo Hoàng là 8 năm tù.
Đồng thời, 2 bị cáo phải bồi thường cho các nạn nhân và người bị hại với tổng số tiền 1.409.209.000 đồng. Sau phiên xét xử, chị Vũ Thị Thúy (vợ tài xế Hoàng) cho biết, chị và gia đình không đồng tình với bản án do TAND TX Phổ Yên tuyên vào ngày 10/5.
Theo luật sư Nguyễn Văn Thơm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội): Tòa nhận định lỗi chính là thuộc về xe Innova với 3 lỗi: "Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng trên cao tốc", "điều khiển ôtô trên đường khi có nồng độ cồn" và "chở khách vượt quá số người quy định”
Lỗi xe đầu kéo kéo theo rơ moóc vi phạm Điều 12 Luật giao thông đường bộ “Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe" phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo”
Theo quan điểm của luật sư, TAND thị xã Phổ Yên xác định lái xe đầu kéo kéo theo rơ moóc có lỗi “vi phạm tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe” là nhận định không đúng theo tinh thần của Điều 12 Luật GTĐB đã quy định.
Ngoài ra, Thông tư 91/2015/TT-BGTVT ngày 31.12.2015 cũng đã quy định tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
“Việc xe Innova đi lùi ngược chiều trên cao tốc không quan sát phía sau, trong khi xe container đi đúng chiều, đúng tốc độ cho phép mà va chạm với nhau không thuộc trường hợp để tính giữ khoảng cách an toàn theo quy định của luật GTĐB. Chẳng lẽ khi phát hiện xe Innova đi lùi ngược chiều, xe đầu kéo kéo theo rơ moóc cũng phải đi lùi theo để giữ khoảng cách an toàn?” luật sư Thơm đặt câu hỏi.
Từ những phân tích trên, luật sư Thơm cho rằng, các cơ quan tố tụng xác định lỗi một phần do xe container không giữ khoảng cách an toàn trong vụ va chạm giao thông này là sai luật. Lỗi hoàn toàn thuộc về xe Innova.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức Luật gia Đặng Văn Thành, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội lại băn khoăn, liệu cơ quan tiến hành tố tụng có bỏ sót tình tiết nào trong vụ án do tình huống xảy ra tai nạn khá hy hữu.
“Có yếu tố nghi ngờ đặt ra ở đây khi quan sát diễn biến vụ án này. Cụ thể, người thân của các nạn nhân (bị chết và thương tật) đều xin giảm nhẹ trách nhiệm cho lái xe Innova. Phải chăng, lái xe đã thực hiện hành vi lùi xe trên đường cao tốc dưới sự thúc ép của những hành khách trên xe lúc đó? Thứ hai, giả sử hành vi của lái xe đầu kéo được xem là tội phạm thì đặt ra vấn đề là: Nếu lái xe thao tác chính xác, tuân thủ đúng quy định của pháp luật thì yêu cầu trong tình huống cụ thể này là gì, đề nghị cơ quan công tố dẫn ra?”, ông Thành đặt câu hỏi.
Cá nhân ông Thành cũng liệt kê để chứng minh kết luận của HĐXX chưa thuyết phục, đó là: Lái xe đầu kéo sẽ phải đánh lái gấp để tránh xe Innova đang chạy phía trước lùi lại: điều này là không thể, bởi xe đầu kéo sẽ bị lật hoặc tạo vật cản cho làn xe khác đang lưu thông cùng chiều đường cao tốc; lái xe đầu kéo sẽ phải lùi lại để tránh bị va chạm với đuôi xe Innova đang lùi phía trước: phương án này càng không khả thi, do đặc điểm kỹ thuật 2 loại xe không cho phép tạo ra sự đồng tốc, đặc biệt trong tình huống xảy ra bất ngờ, ngoài mọi dự liệu của tất cả các xe đi sau một xe khác bất kỳ trên đường 1 chiều, cao tốc. Hơn nữa, nếu xe đầu kéo lùi trên đường cao tốc và 1 chiều, sẽ gây ra tai nạn liên hoàn, thảm khốc hơn nữa.
Vì vậy, theo luật gia Thành, câu hỏi chưa được HĐXX làm rõ: Lái xe siêu trường, siêu trọng phải làm gì khi đang đi đúng làn đường quy định trên đường cao tốc, bất ngờ có xe chở khách du lịch đang lùi lại trên đúng làn đường của mình đang lưu thông?