9 bị cáo được Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đưa ra xét xử gồm: Luyện Xuân Tràng (sinh năm 1973, tại Hưng Yên) bị đưa ra xét xử về tội “Buôn lậu” quy định tại Khoản 4, Điều 188, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Trịnh Đình Thành (sinh năm 1987, tại Hải Dương, nhân viên Phòng Kinh doanh Công ty Dương Đông Hòa Phú, tỉnh Bình Thuận), Nguyễn Thanh Trang (sinh năm 1978, tại Bình Định, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xăng dầu và Thủy sản Bảy Cường, tỉnh Bình Định); Lê Hồng Sơn (sinh năm 1988, tại Hải Phòng, Giám đốc Công ty Dương Đông miền Trung, tỉnh Ninh Thuận), Đỗ Minh Thư (sinh năm 1986, tại Bình Thuận, Giám đốc Công ty Dương Đông Bình Thuận), Lý Hưng Phát (sinh năm 1996, tại Kiên Giang, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lý Tấn Tài, tỉnh Kiên Giang), Hà Thị Kim Nga (sinh năm 1969, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Tân Hiệp, Thành phố Hồ Chí Minh), Trần Duy Phong (sinh năm 1991, tại Thái Bình, Cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu 222, tỉnh Đồng Nai) và Trần Văn Sơn (sinh năm 1979, tại Hải Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất dầu Sài Gòn, tỉnh Lâm Đồng) bị đưa ra xét xử về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” quy định tại Khoản 4 Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đầu tháng 9/2015, Luyện Xuân Tràng thỏa thuận nhận chuyển nhượng của Công ty Cổ phần Dương Đông Sài Gòn 80% Cổ phần Công ty Dương Đông Hòa Phú với giá 430 tỷ đồng. Luyện Xuân Tràng bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Đức Mạnh cùng mua 80% cổ phần, trong đó Mạnh có 30% cổ phần và làm Tổng Giám đốc, trực tiếp vào tỉnh Bình Thuận điều hành hoạt động Công ty, còn lại 50% cổ phần là của Luyện Xuân Tràng.
Sau khi hoàn thành trình tự, thủ tục chuyển nhượng cổ phần, Nguyễn Đức Mạnh được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dương Đông Hòa Phú và giữ chức danh Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty. Luyện Xuân Tràng giao cho Nguyễn Đức Mạnh chỉ đạo, điều hành và quyết định việc tiêu thụ xăng dầu trong nước. Việc nhập khẩu xăng, dầu từ nước ngoài về do Luyện Xuân Tràng quan hệ, thỏa thuận với bên bán hàng. Trong đó, Tràng thỏa thuận mua số lượng hàng lớn nhưng chỉ khai hải quan số lượng nhỏ nên trong hợp đồng mua bán chỉ ghi một phần số lượng hàng thực tế nhập khẩu. Số lượng thực tế nhập khẩu được chia thành hai vận đơn, trong đó một vận đơn có số lượng phù hợp với số lượng ghi trong Hợp đồng mua bán, dùng để khai báo hải quan, vận đơn còn lại là số lượng hàng nhập lậu. Việc thanh toán tiền mua hàng cho bên bán được thực hiện bằng hai cách: Lượng hàng khai báo hải quan thanh toán bằng L/C tại ngân hàng; Lượng hàng nhập lậu thanh toán bằng cách chuyền tiền Việt Nam vào tài khoản của người làm dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài và phải trả hết tiền hàng nhập lậu trước khi tàu chở hàng đến Việt Nam.
Theo cách thức này, từ ngày 14/10/2015 đến ngày 29/1/2016, Luyện Xuân Tràng đã thực hiện và hướng dẫn, chỉ đạo Nguyễn Đức Mạnh điều hành việc thực hiện nhập lậu 12 chuyến xăng, dầu với số lượng 136,6 triệu lít xăng A92 và dầu DO, tổng trị giá hơn 2.034 tỷ đồng.
Khi đường dây buôn lậu xăng dầu này bị phanh phui, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố bị can về tội buôn lậu, Luyện Xuân Tràng bỏ trốn. Ngày 14/9/2019, Luyện Xuân Tràng đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đầu thú.
Liên quan đường dây buôn lậu xăng dầu hơn 2.000 tỷ đồng này, tháng 9/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án 12 bị cáo với tổng cộng mức án hơn 46 năm tù giam. Trong đó, Nguyễn Đức Mạnh (Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dương Đông Hòa Phú) 8 năm tù về tội buôn lậu và 2 năm tù về tội đưa hối lộ; tổng hình phạt là 10 năm tù.
Dự kiến, phiên tòa xét xử đến ngày 24/8.