Theo BCĐ 389 Quốc gia, những tháng cuối năm 2022, dự báo tình hình thế giới và khu vực vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, nhất là ở một số nước là đối tác quan trọng của Việt Nam, cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia tiếp tục diễn ra gay gắt.
Đối với Việt Nam, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn, nhưng bên cạnh thời cơ, thuận lợi thì tác động của COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai,... tiếp tục diễn biến phức tạp; các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng,..là thách thức lớn đối với hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đòi hỏi công tác này phải đổi mới, quyết liệt, hiệu quả hơn trong hành động.
BCĐ 389 Quốc gia yêu cầu BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động đánh giá thực trạng, nhận diện, chỉ rõ những vấn đề nổi cộm, phức tạp về đối tượng, tuyến, địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, phương thức thủ đoạn mới về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm kịp thời đề xuất, xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra, điều tra xác minh; tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng, chủ mưu cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe, phòng ngừa chung.
Xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm hàng cục bộ để dầu cơ, tăng giá bất hợp lý, trục lợi, lừa dối người tiêu dùng.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phản ánh kịp thời, chính xác tình hình và kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các biểu hiện tiêu cực, bất cập trong hoạt động của các cơ quan chức năng; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả; lên án các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá hàng hóa bất hợp lý...
Theo BCĐ 389 Quốc gia, thời gian qua, tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi và gia tăng mạnh trên môi trường mạng; tinh trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp qua khai báo gian dối về giá, số lượng, chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp; tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ đã được cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả.
Nhiều chỉ đạo của BCĐ vẫn chưa được các cơ quan triển khai thực hiện nghiêm túc. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, còn có biểu hiện nể nang, bao che, có trường hợp “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật. Cơ chế chính sách còn sơ hở, bất cập tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, nhất là việc chia sẻ thông tin, giám sát hàng hóa.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), từ đầu năm đến nay, tội phạm ma túy hoạt động mạnh mẽ cả trên tuyến hàng không, bưu điện và tuyến biên giới đường bộ. Điển hình, báo cáo của Cục Hải quan thành phố (TP) Hà Nội cho thấy: Từ ngày 14/6 - 15/7, Cục Hải quan Hà Nội đã chủ trì hối hợp với PC04, Công an TP Hà Nội kiểm tra 18 gói hàng được vận chuyển qua đường bưu điện. Qua đó, phát hiện cần sa, cỏ mỹ được trà trộn cất giấu trong các hộp kẹo, lọ thực phẩm chức năng, sách, bút…với tổng số 33.192,7 gam cần sa; 6.447,75 gam cỏ mỹ...