Thời gian qua, các xe ô tô tải trọng lớn biển kiểm soát Lào lưu thông trên cung đường từ Cảng Cửa Lò đến cầu Bến Thủy 2 (Nghệ An) qua tỉnh Hà Tĩnh hướng về cửa khẩu Cầu Treo (nằm trên địa bàn huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) để sang Lào và ngược hoạt động rầm rộ tại Nghệ An.
Sau khi nhận hàng xong tại cảng, các xe này bắt đầu lưu thông theo Quốc lộ 46, đến gần khu vực cây xăng Nghi Ân, rẽ trái vào đường 35 mét chạy thẳng xuống đê Vinh thuộc xã Hưng Hòa và lưu thông đến cầu Bến Thủy 2 sang tỉnh Hà Tĩnh. Cung đường từ Hà Tĩnh về cảng Cửa Lò mà các xe biển số Lào này di chuyển cũng như vậy.
Tại cung cường này, rất ít lực lượng chức năng tuần tra, chốt chặn. Vào ban ngày, số xe biển Lào lưu thông không nhiều nhưng từ 17 giờ trở đi, những đoàn xe tải trọng lớn biển kiểm soát Lào nối đuôi nhau chạy trên đường. Đặc biệt, loại xe thân liền, kéo rơ moóc có 26-28 bánh biển kiểm soát 38 của Hà Tĩnh xuất phát từ Cảng Cửa Lò cũng nối đuôi xe biển kiểm soát Lào chạy trên cung đường này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các xe biển kiểm soát Lào chở nguyên liệu thô như: quặng sắt, kali, barit (dùng trong công nghiệp dầu mỏ)… từ Lào về Cảng Cửa Lò rồi lấy hàng than đá chạy sang Lào phục vụ các nhà máy xi măng. Các xe này chủ yếu của Công ty vận tải quốc tế Mê Kông, tại địa chỉ huyện Xê Thà Khẹc, tỉnh Khăm Muộn, Lào.
Các xe biển kiểm soát Lào lưu thông ở Nghệ An đều có trọng lượng từ 71-75 tấn. Trong khi đó, theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 17, Thông tư 46/2015/TT-BGTVT ngày 7/9/2015 nêu rõ xe gắn biển kiểm soát Việt Nam chỉ được phép chở tải trọng tối đa lớn hơn hoặc bằng 48 tấn nếu tổ hợp xe đầu kéo sơ mi rơ moóc có tổng số trục dài hơn 6,5m. Thế nhưng, trong Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào, ký ngày 15/9/2010, có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2010 chưa có những quy định cụ thể về việc kiểm soát tải trọng của các xe tải trọng biển kiểm soát Lào lưu thông ở Việt Nam.
Các xe tải trọng gắn biển kiểm soát Lào đăng kiểm tại nước sở tại chỉ quy định tải trọng trên số lượng bánh xe mà không thể hiện rõ được phép chở tối đa bao nhiêu tấn. Trong khi đó, ngay trên hồ sơ đăng kiểm của các xe tải trọng biển kiểm soát Việt Nam đã quy định rõ tải trọng cho phép. Vì thế, khi các xe biển kiểm soát Lào hoạt động tại Việt Nam, tải trọng của các xe này vượt quá quy định theo Luật Giao thông đường bộ Việt Nam, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi kiểm tra, xử lý theo quy định.
Ông Yên Văn Phúc, Phó Giám đốc xí nghiệp xếp dỡ Cửa Lò cho biết: “Việc kiểm soát tải trọng đối với các xe biển kiểm soát Lào được Cảng Cửa Lò thực hiện cẩn thận và nghiêm ngặt. Các xe này được cân hàng dựa theo tải trọng cho phép ghi trên đăng kiểm, bản dịch thuật Đăng ký phương tiện đối với các phương tiện mang biển kiểm soát Lào”.
Qua kiểm tra các phiếu cân hàng xuất tại Cảng Cửa Lò ghi ngày 8/10/2019, tổng trọng lượng của các xe biển kiểm soát Lào đều từ 70-75 tấn/xe. Tại buổi làm việc với Cục Quản lý đường bộ II ngày 10/9, đại diện Cảng Cửa Lò đã ký cam kết không xếp hàng hóa lên xe ô tô vượt quá tải trọng cho phép tham gia giao thông; không tiếp nhận xe chở hàng vượt quá tải trọng cho phép tham gia giao thông và trả hàng tại Cảng Cửa Lò.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Nam Hồng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Nghệ An, cho biết các xe biển kiểm soát Lào khi lưu thông trên đường ở Việt Nam vẫn phải theo quy định của Luật Giao thông đường bộ tại Việt Nam và không có ngoại lệ. Trên địa bàn Nghệ An, qua báo chí phản ánh, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra, kiểm sát tuyến đường này, nếu phát hiện xe biển kiểm soát Lào quá khổ, quá tải trọng, vi phạm thì đều bị xử lý nghiêm.