Theo đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Hiền (sinh năm 1983, trú tại Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) mức án 7 năm tù về tội “Cướp tài sản” theo quy định tại Điều 168, khoản 2 - Bộ luật Hình sự. Bị cáo Lê Thị Hiền là cựu Đại úy Công an - người từng có hành vi chửi bới thậm tệ nhân viên hàng không tại quầy làm thủ tục hành lý và chống đối lực lượng an ninh hàng không tại Sân bay Tân Sơn Nhất hồi tháng 8/2019. Sau vụ việc trên, Lê Thị Hiền bị kỷ luật giáng cấp Đại úy xuống Trung úy rồi cho xuất ngũ.
17 bị cáo còn lại gồm: Vũ Anh Hoàng, Nguyễn Đức Thăng, Nguyễn Thị Minh Trang, Nguyễn Tiến Dũng, Hoàng Thanh Tùng, Nguyễn Phương Trang, Lê Thành Đạt, Phạm Tuấn Thành, Đinh Quốc Dũng, Nguyễn Đình Nam, Bùi Dương Anh Hưng, Hoàng Đức Anh, Trần Minh Hiếu, Đỗ Duy Hưng, Đỗ Hải Tuấn, Nguyễn Tài Nam, Nguyễn Đăng Hà bị phạt từ 3 năm 6 tháng tù đến 8 năm tù về cùng tội “Cướp tài sản”.
Theo cáo trạng, năm 2019, Vũ Anh Hoàng (sinh năm 1991, ở Cẩm Phả, Quảng Ninh), Nguyễn Đức Thăng (sinh năm 1992, ở Thanh Xuân, Hà Nội) và Lê Thị Hiền cùng góp hơn 2 tỷ đồng để mở quán bar Magic Lounge (địa chỉ ở phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa) kinh doanh đồ uống, bóng cười. Hoàng có nhiệm vụ thu thập cách thức hoạt động hiệu quả của các quán khác để áp dụng cho quán Magic. Thăng phụ trách mảng chạy quảng cáo để tìm kiếm khách; còn Hiền quản lý mảng hậu cần thu chi, giám sát hoạt động và lo mảng đối ngoại. Lợi nhuận của quán sẽ chia theo % vốn góp của mỗi người.
Đến tháng 3/2020, Hoàng, Thăng, Hiền ký hợp đồng thuê Nguyễn Thị Minh Trang (sinh năm 1993, ở Hà Đông, Hà Nội) lên chương trình hoạt động cho quán Magic. Hiền, Hoàng và Thăng đặt mục tiêu cho Trang để quán phải đạt được doanh thu hàng tỷ đồng. Để đạt được doanh thu, Trang đề ra kế hoạch, khi có khách đến quán sử dụng dịch vụ, nếu thấy khách có tiền thì nhân viên sẽ tìm cách đẩy thêm đồ ăn, hoa quả, rượu bia và bóng cười. Mục đích ép khách phải thanh toán tiền. Để làm được điều này, Trang và các bị cáo lập đội bảo an gồm nhiều nhân viên nam, hoạt động như một đội bảo kê để đánh và ép khách nếu họ không trả tiền. Hiền cùng các cổ đông đều biết việc này nhưng vẫn đồng ý để thu lời bất chính.
Hoàng, Thăng và Trang đã thỏa thuận, thống nhất nội dung khoán cho Trang chạy doanh thu cho quán trong 3 tháng và Trang sẽ được hưởng % theo doanh số cụ thể mà cả nhóm đưa ra. Trang nói với Hoàng và Thăng, nếu chỉ tiêu doanh số cao như vậy sẽ phải đẩy mạnh áp dụng hình thức “dí bill”. Trang sợ nếu làm mạnh dễ liên quan đến pháp luật. Tuy nhiên, Hoàng và Thăng hứa, nếu liên quan đến pháp luật đã có ban cổ đông đứng ra giải quyết.
Sau khi thỏa thuận thống nhất với Trang, Hoàng, Thăng đã trao đổi lại với Hiền về việc mỗi tháng sẽ trích từ doanh thu 31 triệu đồng để Hiền chi cho các quan hệ đối ngoại, đảm bảo cho các vi phạm của quán không bị cơ quan chức năng xử lý.
Về phần mình, để đảm bảo doanh số như thỏa thuận, Trang yêu cầu các nhân viên nữ dùng các ứng dụng hẹn hò trên mạng xã hội làm quen với khách nam rồi lôi kéo khách đến quán.
Trước khi khách đến, nhân viên sẽ gọi đồ, bày sẵn ra bàn. Sau khi khách đến chơi được một lúc, các nhân viên sẽ bỏ trốn để lại khách. Tiếp đó nhân viên của quán sẽ bắt khách phải trả số tiền này, nếu không có tiền khách phải để lại tài sản. Khách nào không chịu trả tiền sẽ có các nam nhân viên ra nói chuyện, đe dọa, ép trả tiền, ép để lại tài sản có giá trị.
Cáo trạng xác định, với mô hình hoạt động như trên, các bị cáo đã thực hiện 4 vụ cướp tài sản của khách tại quán.
Cụ thể, trong thời gian từ ngày 31/3-14/4/2021, các bị cáo đã thực hiện các hoạt động “dí bill” ép, đánh khách để chiếm đoạt tổng số gần 85 triệu đồng. Trong đó, chiếm đoạt của anh Hoàng Anh Đ. hơn 35 triệu đồng, anh Trường Phát T. gần 20 triệu đồng, anh Lê Xuân B. 9,4 triệu đồng và anh Phạm Hồng D. gần 20 triệu đồng.
Hội đồng xét xử kết luận, đây là vụ án có đồng phạm, trong đó các bị cáo: Vũ Anh Hoàng, Nguyễn Đức Thăng, Lê Thị Hiền và Nguyễn Thị Minh Trang là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Các bị cáo còn lại là đồng phạm, tham gia thực hành tích cực trong vụ án.