Vụ án tại Ngân hàng Đại Tín: Không có chức năng vẫn thẩm định giá gấp 8 lần thị trường

Ngày 10/5, Phiên tòa xét xử sơ thẩm 28 bị cáo trong vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại Cổ phần Đại Tín (gọi tắt là Ngân hàng Đại Tín) tiếp tục phần xét hỏi làm rõ hành vi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch lên 1.268 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín 1.105 tỷ đồng.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 9/5. Ảnh: Thành Chung/TTXVN

Theo cáo trạng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Đại Tín (viết tắt là Công ty TrustAsset) là đơn vị được Ngân hàng Đại Tín giao thẩm định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch của bị cáo Hứa Thị Phấn. Công ty này có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng và chủ sở hữu chính là Ngân hàng Đại Tín. Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty là bị cáo Hoàng Văn Toàn, người cũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Đại Tín; Giám đốc là bị cáo Nguyễn Công Tụ. Đáng chú ý, Công ty TrustAsset không có chức năng thẩm định giá, không có tên trong danh sách những công ty thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động.

Trước đó khai tại Tòa, bị cáo Hoàng Văn Toàn đã thừa nhận, chưa nói đến vấn đề không có chức năng thẩm định giá, việc Ngân hàng Đại Tín giao công ty mình sở hữu đi thẩm định giá của tài sản được Ngân hàng mua là khó khách quan. Ngoài ra, cũng như bị cáo Toàn, các bị cáo là thành viên Hội đồng quản trị cũng khai rằng, các bị cáo tin tưởng hoàn toàn vào lời nói của bà Hứa Thị Phấn rằng bà Phấn bán căn nhà này cho Ngân hàng Đại Tín để làm trụ sở, có hồ sơ đính kèm đầy đủ. Sau đó, các thành viên Hội đồng quản trị ký hồ sơ do bị cáo Ngô Kim Huệ (là cháu của bà Hứa Thị Phấn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín) đưa, rồi thống nhất bằng nghị quyết, lập biên bản chứ không tổ chức họp.

Khi bị xét hỏi căn cứ gì để các bị cáo định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch từ 154 tỷ đồng thành 1.268 tỷ đồng (gần gấp 8 lần), bị cáo Bùi Thế Nghiệp (nhân viên định giá Công ty Trust Asset) cho biết, bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của Giám đốc công ty là bị cáo Nguyễn Công Tụ. Bị cáo Nghiệp cho biết bản thân mình chỉ học 1,5 tháng để có chứng chỉ định giá bất động sản chứ không có thẻ thẩm định giá và bị cáo cũng không có chuyên môn về thẩm định giá.

Bị cáo Nghiệp khai tất cả những chứng thư thẩm định trước đây bị cáo đã định giá bằng phương pháp so sánh. Tuy nhiên, trường hợp này bị cáo lại định giá bằng phương pháp thặng dư. Khi Chủ tọa hỏi điều kiện áp dụng phương pháp thặng dư, bị cáo Nghiệp không trả lời được. Còn bị cáo Nguyễn Công Tụ thừa nhận việc phát hành chứng thư thẩm định là sai quy định của pháp luật. Bị cáo Tụ khai khi ký kết luận định giá và chứng thư thẩm định đã bị nhầm lẫn giữa chức năng định giá và thẩm định giá.

Trong khi đó, Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh đã định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch có giá hơn 154 tỷ đồng; còn Công ty Cổ phần Thông tin và thẩm định giá miền Nam thì định giá căn nhà này là 181 tỷ đồng; trước đó, bản thân các bị cáo khi họp Hội đồng quản trị thì định giá căn nhà trên có giá 290 tỷ đồng, đều thấp hơn nhiều so với mức thẩm định 1.268 tỷ đồng mà Công ty TrustAsset đưa ra.


Liên quan tới việc mua, bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, Cơ quan điều tra qua xác định, vào ngày 7/2/2012, bà Hứa Thị Phấn mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch từ Công ty cổ phần Địa ốc Lam Giang, với giá 450 tỷ đồng. Đến ngàỵ 13/2/2012, bà Phấn bán lại cho Ngân hàng Đại Tín với giá 1.260 tỷ đồng. Kết luận giám định thuế của Bộ Tài chính ngày 27/2/2015 cho rằng, số thuế thu nhập cá nhân mà bà Hứa Thị Phấn đã kê khai nộp thuế đối với việc chuyển nhượng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch có sai lệch. Cụ thể, số thuế thu nhập cá nhân đã kê khai nộp thuế là 25 tỷ đồng, qua giám định thuế, số tiền thuế phải nộp là 202 tỷ đồng. Số thuế thu nhập cá nhân chênh lệch qua giám định là 177 tỷ đồng. Theo Cơ quan điều tra, hành vi trên liên quan về thuế của bà Phấn trong việc mua, bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch có dấu hiệu phạm tội "Trốn thuế”.

Tuy nhiên việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch rồi bán cho Ngân hàng Đại Tín của bị cáo Hứa Thị Phấn và các bị cáo bị truy cứu về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tể gây hậu quả nghiêm trọng”, nên không xem xét xử lý về hành vi “Trốn thuế” của bà Phấn và những người liên quan.

Thành Chung - Xuân Tình (TTXVN)
Sơ thẩm vụ án tại Ngân hàng Đại Tín: Xét xử vắng mặt bị cáo Hứa Thị Phấn
Sơ thẩm vụ án tại Ngân hàng Đại Tín: Xét xử vắng mặt bị cáo Hứa Thị Phấn

Ngày 8/5, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (gọi tắt là Ngân hàng Đại Tín) – tiền thân là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) đối với 28 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Đại Tín.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN