Các bị cáo tại phiên tòa ngày 8/5. Ảnh: Thành Chung/TTXVN |
Bác yêu cầu xin hoãn phiên tòa của luật sư Mặc dù được cho tại ngoại và được triệu tập nhưng bị cáo Hứa Thị Phấn vẫn vắng mặt. Cùng với đó, tòa cũng triệu tập hơn 100 cá nhân, pháp nhân là các ngân hàng thương mại tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, tuy nhiên nhiều người đã có đơn xin vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp thuận. Ông Phạm Công Danh (đại diện toàn bộ các cá nhân góp vốn cổ phần Tập đoàn Thiên Thanh, đang thụ án trong một vụ án khác) cũng được trích xuất tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra, có hơn 50 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo; riêng bị cáo Hứa Thị Phấn có 5 luật sư bào chữa.
Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn đã đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa do tình trạng sức khỏe của bị cáo chỉ còn 7%, bất khả kháng tham gia phiên tòa. Ngoài ra, các luật sư cũng yêu cầu trưng cầu giám định lại sức khỏe cho bị cáo Phấn.
Trả lời về yêu cầu này, Chủ tọa phiên tòa Phạm Lương Toản cho biết, ngay khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Hội đồng xét xử đã cử cán bộ đến tống đạt các quyết định cho bị cáo Hứa Thị Phấn ngay tại bệnh viện mà bị cáo đang nằm điều trị. Tại đây, bác sĩ điều trị xác nhận bà Hứa Thị Phấn đang trong trạng thái tỉnh táo, nhưng “đôi khi mới tiếp xúc được”. Vì thế, Hội đồng xét xử không thực hiện việc áp giải bị cáo Phấn tới phiên tòa và sự vắng mặt của bị cáo này không ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án.
Đáng chú ý, trong suốt quá trình điều tra, bị cáo Phấn không có lời khai. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng, trong quá trình xét xử sẽ căn cứ tất cả các chứng cứ được thẩm tra, tranh luận công khai tại phiên tòa. Từ những lý do trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu hoãn phiên tòa của các luật sư.
Chủ tọa phiên tòa Phạm Lương Toản cũng cho biết, trước khi phiên tòa diễn ra, Hội đồng xét xử đã làm việc với bị cáo Bùi Thị Kim Loan (nguyên Kế toán Công ty Phú Mỹ, trợ lý của bà Hứa Thị Phấn), thống nhất quan điểm cho phép bị cáo này được xét xử vắng mặt do mới sinh con nhưng bị cáo Loan không đồng ý và vẫn có mặt tại phiên tòa sáng nay, với cảnh “bồng bế con” đến phòng xử án. Để đảm bảo sức khỏe cho bị cáo và con bị cáo, Hội đồng xét xử đã cho bác sĩ đến túc trực tại phiên tòa.
Gây thiệt hại hơn 6.300 tỷ đồng Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Phạm Lương Toản (giữa), thông báo quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ảnh: Thành Chung/TTXVN |
Theo cáo trạng, lợi dụng là cổ đông lớn (nắm giữ 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín) và giữ chức vụ cố vấn cao cấp, bà Hứa Thị Phấn đã nắm quyền chi phối, thâu tóm toàn bộ hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban điều hành, cán bộ nhân viên Ngân hàng Đại Tín và hai chi nhánh Sài Gòn, Lam Giang của ngân hàng này.
Bị cáo Hứa Thị Phấn đã thông qua các bị cáo khác chỉ đạo Công ty TrustAsset của Ngân hàng Đại Tín (không có chức năng thẩm định giá) thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (Thành phố Hồ Chí Minh) thuộc sở hữu của bà Phấn lên 1.268 tỷ đồng, cao gấp 8 lần giá thị trường. Sau đó, bà Phấn chỉ đạo việc mua bán lòng vòng căn nhà nói trên, rồi bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, bị cáo Hứa Thị Phấn còn chỉ đạo lãnh đạo và cán bộ của Ngân hàng Đại Tín – Chi nhánh Lam Giang và Chi nhánh Sài Gòn thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc lập và hạch toán chứng từ thu, chi khống không sử dụng tiền mặt; thực hiện giao dịch, hạch toán khống trên hệ thống SmartBank, sau đó mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục. Từ đây, bị cáo Hứa Thị Phấn đã lấy được tiền của ngân hàng và sử dụng, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín với số tiền hơn 5.256 tỷ đồng.
Dự kiến phiên tòa xét xử đến ngày 31/5.