Phản hồi nội dung thông tin TTXVN phản ánh "Gia Lai: Kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân để mất hàng nghìn ha rừng" (ngày 24/2/2020) và "Yêu cầu trồng lại gần 2.200 ha rừng bị chặt phá, lấn chiếm tại Gia Lai" (ngày 25/2/2020), UBND huyện Chư Prông đã có báo cáo số 116/BC-UBND gửi UBND tỉnh Gia Lai.
Theo đó, qua thanh tra 11/11 xã có rừng trên địa bàn huyện Chư Prông, diện tích đất lâm nghiệp do địa phương quản lý thời điểm năm 2014 là 46.780,46 ha. Tuy nhiên, đến năm 2017, theo kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng theo Nghị quyết 100 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai, diện tích này chỉ còn 33.855,8 ha, giảm 12.924,66 ha đất lâm nghiệp.
Nguyên nhân được địa phương giải thích là do UBND tỉnh triển khai công tác kiểm kê vào năm 2014 sử dụng phương pháp giải đoán không ảnh (hình ảnh chụp từ vệ tinh xuống bề mặt trái đất) kết hợp với phương pháp kiểm tra mặt đất, có sự sai khác hiện trạng rừng giữa bản đồ và thực tế nên cho kết quả không chính xác, dẫn đến sai số diện tích đất lâm nghiệp địa phương quản lý. Trong đó, một phần diện tích đất lâm nghiệp bị giảm, được UBND huyện giải thích là do người dân lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy.
Diện tích rừng do UBND huyện Chư Prông quản lý là 33.855,8 ha. Qua kiểm kê, từ năm 2017-2019, địa phương này đã làm mất 2.381,08 ha. Nguyên nhân được đưa ra là do người dân lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy.
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Gia Lai, ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết: UBND huyện đã có nhiều biện pháp quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã có rừng. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm, cơi nới đất rừng làm nương rẫy vẫn còn tiếp diễn với các nguyên nhân là lực lượng chức năng, các đơn vị chủ rừng chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao nên một số vụ việc vi phạm lâm luật chưa được xử lý dứt điểm, nhiều trường hợp không xác định được đối tượng phá rừng. UBND các xã còn chủ quan, thiếu chặt chẽ, để xảy ra nhiều vụ phá rừng trên lâm phần quản lý mà không phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, một số vụ đã phát hiện và lập biên bản nhưng không báo cáo UBND huyện để chỉ đạo ngăn chặn kịp thời dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn tiếp diễn.
UBND huyện Chư Prông cho rằng, do diện tích đất lâm nghiệp giao cho UBND xã quản lý quá lớn. Trong khi đó, lực lượng quản lý bảo vệ rừng địa bàn quá mỏng nên không quản lý hết diện tích đất lâm nghiệp được giao. Một số diện tích do người đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất nên phá rừng làm rẫy. Đặc biệt, sau khi thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai, công tác quản lý, bảo vệ rừng càng diễn biến phức tạp. Điển hình như việc các doanh nghiệp tuyển dụng hợp đồng lao động ở tỉnh khác đến không đăng ký tạm trú với địa phương, tạo điều kiện để các đối tượng phá rừng trái phép lợi dụng trà trộn. Một bộ phận những người này gián tiếp hoặc trực tiếp tiếp tay cho lâm tặc hoạt động, tham gia khai thác, mua bán lâm sản, phá rừng làm nương rẫy trái phép.
Diện tích rừng được Nhà nước giao cho các địa phương quản lý, không thể viện các lý do như trên để hàng nghìn ha rừng bị chặt phá, lấn chiếm.